Tỷ lệ cử nhân các trường đại học sau khi tốt nghiệp ra trường chịu cảnh thất nghiệp hoặc phải làm những việc trái ngành, trái nghề hằng năm tăng cao đang cho thấy những bất cập trong công tác GD-ĐT hiện nay ở nước ta.
Tỷ lệ cử nhân các trường đại học sau khi tốt nghiệp ra trường chịu cảnh thất nghiệp hoặc phải làm những việc trái ngành, trái nghề hằng năm tăng cao đang cho thấy những bất cập trong công tác GD-ĐT hiện nay ở nước ta.
Thực tế này cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh từ bậc THCS. Quan niệm về học trường nghề cũng cần phải được thay đổi, bởi không phải học sinh nào khi học trường nghề cũng do không còn sự lựa chọn nào khác.
Ngày càng nhiều học sinh dù suốt quãng thời gian học tiểu học đến THCS đều có học lực khá, giỏi nhưng lại quyết định vào học trường nghề. Những học sinh này đã xác định rõ lộ trình của mình: vừa học nghề, vừa học văn hóa để tiết kiệm được chi phí lại rút ngắn được thời gian đào tạo. Sau đó, khi đã có 2 tấm bằng trong tay, học viên vẫn có thể tiếp tục học liên thông lên cao đẳng, đại học. Cơ hội việc làm đối với những học viên này luôn rộng mở, nhất là đối với những ngành kỹ thuật mà xã hội đang cần như: công nghệ ô tô, điện tử…
Tất nhiên, để chọn ngã rẽ là trường nghề chứ không phải là trường đại học hay cao đẳng, nhiều học sinh đã chịu ít nhiều áp lực từ gia đình và những người xung quanh. Tâm lý thích trường đại học hơn trường nghề vẫn tồn tại khá nặng nề, vì thế nhiều học sinh chỉ còn cách chứng minh năng lực thật sự của mình bằng khả năng tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Không ít học viên đã được những doanh nghiệp lớn, có uy tín “săn đón” ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, được chọn đi đào tạo tại nước ngoài và hưởng mức lương cao, chế độ đãi ngộ tốt.
Trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai, TS.Juergen Hartwig, Giám đốc chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam thừa nhận một thực tế là phần lớn các bạn trẻ và các bậc phụ huynh vẫn ưu tiên giáo dục đại học hơn đào tạo nghề. Điều này lý giải vì sao số lượng học viên học nghề còn hạn chế và đặc biệt, tỷ lệ học sinh khá, giỏi chọn trường nghề còn khá khiêm tốn. Đây là nguyên nhân dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật cao chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, năng lực đào tạo của các trường nghề cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sự đổi mới để bắt kịp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo dự báo, thị trường lao động của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng những năm tới sẽ có những thay đổi mạnh mẽ theo hướng phát triển chung của thế giới. Nguồn lao động kỹ thuật ngày càng “có giá”, nhất là những lao động có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, vừa thành thạo tay nghề, vừa có khả năng ngoại ngữ tốt.
Do đó, để đáp ứng nhu cầu này, hệ thống các trường nghề phải được rà soát, đánh giá lại sát với thực tế; đồng thời bổ sung nguồn giáo viên giỏi, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Chương trình đào tạo phải được xây dựng một cách linh hoạt, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Công tác tư vấn, hướng nghiệp cũng cần thay đổi để trường nghề thực sự hấp dẫn với học sinh.
Minh Ngọc