Để phát triển nền nông nghiệp hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa (trong bối cảnh đất đai phân tán, tổ chức sản xuất manh mún theo từng hộ gia đình) thì sự phát triển của các mô hình liên kết, trong đó HTX là một hình thức hiệu quả, hợp lý và rất quan trọng.
Để phát triển nền nông nghiệp hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa (trong bối cảnh đất đai phân tán, tổ chức sản xuất manh mún theo từng hộ gia đình) thì sự phát triển của các mô hình liên kết, trong đó HTX là một hình thức hiệu quả, hợp lý và rất quan trọng.
Không chỉ tại Việt Nam mà tại những quốc gia, vùng lãnh thổ có nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ như Nhật Bản hay Đài Loan chẳng hạn, thì các HTX có vai trò rất lớn trong việc liên kết nông dân, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng và tiêu thụ nông sản.
Ý thức rõ điều này, nên trong nhiều năm qua, Việt Nam liên tục nghiên cứu để xây dựng, cải thiện các chính sách hỗ trợ và “nuôi lớn” các HTX trên toàn quốc mà điển hình là xây dựng một luật riêng: Luật HTX năm 2012.
Cùng với bộ luật này, còn có nhiều chính sách khác nhằm trợ lực cho HTX trên nhiều góc độ: tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, đổi mới KH-CN để nâng cao sức cạnh tranh… Tuy nhiên, “có thực mới vực được đạo”, trong thời gian qua, những khó khăn, vướng mắc của các HTX trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi là vướng mắc chính mà hầu như HTX nào cũng đang gặp phải.
Xét về phía người cho vay, các HTX khi vay vốn được xem xét một cách bình đẳng với các đối tượng cho vay khác về hồ sơ, thủ tục, khả năng trả nợ… và thực tế thì những điều kiện nền tảng này khó mà thay đổi. Ngân hàng vẫn muốn “nắm đằng chuôi” và yêu cầu HTX phải có tài sản thế chấp. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều giám đốc HTX phải dùng tài sản cá nhân thế chấp để vay được vốn kinh doanh cho HTX và rõ ràng, đây không phải là phương án lâu dài. Ngoài hệ thống ngân hàng, các quỹ hỗ trợ phát triển HTX được thành lập ở nhiều địa phương trong cả nước nhằm hỗ trợ HTX tiếp cận vốn, song do khả năng có hạn nên chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu vốn của HTX, và số lượng HTX vay vốn được từ nguồn này khá hạn chế.
Về nguyên nhân, phải thừa nhận rằng nhiều HTX khó tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng do HTX còn hạn chế trong quản trị, điều hành, hạn chế về năng lực tổ chức quản lý hoạt động. Chưa kể, không ít HTX còn quản lý vốn thiếu công khai minh bạch, chưa thực hiện đúng quy định về quản lý tài chính kế toán, sử dụng vốn sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, không tuân thủ các nguyên tắc của Luật HTX. Ngoài ra, hiệu quả hoạt động của HTX còn thấp dẫn tới chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi để tiếp cận vốn ngân hàng.
Tóm lại, cốt lõi trong sự vướng mắc về tiếp cận vốn của các HTX lâu nay với các ngân hàng chủ yếu vẫn là đôi bên chưa có đủ sự tin cậy lẫn nhau và điều này phải dần dần cải thiện. Phía các HTX không có phương án nào tốt hơn ngoài việc cần củng cố nội lực, thay đổi cách hoạt động theo hướng chủ động, hiệu quả và phía những người cho vay (ngân hàng, quỹ tín dụng, quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ vốn…) cũng cần có sự nhanh nhạy, nắm bắt kịp thời và nhất là sự nhiệt tình, công tâm trong việc cho HTX vay vốn. Có như thế, về lâu dài, các HTX của Việt Nam mới có thể trở thành “chỗ dựa” của nông dân trong sức ép cạnh tranh của thời hội nhập.
Vi Lâm