Báo Đồng Nai điện tử
En

Công nghệ giúp làm chủ ''cuộc chơi''

08:03, 09/03/2020

Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện đang là khối doanh nghiệp dẫn đầu trong quá trình tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện đang là khối doanh nghiệp dẫn đầu trong quá trình tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Và một trong những nguyên nhân chính khiến khối FDI đạt được vị thế này là do họ thực sự nghiêm túc và chịu đầu tư lớn vào công nghệ. Thực tế, các doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng hầu hết là doanh nghiệp FDI.

Có 2 lý do chính khiến doanh nghiệp mạnh tay đầu tư đổi mới công nghệ trong thời điểm hiện nay. Đầu tiên là do yêu cầu của thị trường và áp lực cạnh tranh toàn cầu. Khách hàng ngày càng đòi hỏi những sản phẩm có hàm lượng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao hơn hẳn giai đoạn trước, thậm chí có những sản phẩm phải ứng dụng các giải pháp công nghệ tối tân nhất.

Nguyên nhân thứ hai là khi dần dần “thay máu” được dây chuyền công nghệ sản xuất thì doanh nghiệp FDI sẽ dần bớt phụ thuộc hơn vào lực lượng lao động phổ thông - một trong những nỗi lo thường trực của khối doanh nghiệp FDI khi đến đầu tư tại Việt Nam. Về lâu dài, Việt Nam sẽ không còn nhiều lao động phổ thông giá rẻ và chi phí lao động sẽ ngày một cao, do đó, từng bước đổi mới công nghệ để tránh phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ là định hướng của rất nhiều doanh nghiệp FDI. Tại một số khu công nghiệp của Đồng Nai, khá nhiều doanh nghiệp đã thành công trong sự chuyển đổi này, khi chỉ cần vài người là có thể điều khiển, vận hành cả dây chuyền sản xuất lớn (mà trước đây cần cả trăm công nhân tham gia sản xuất).

Một điểm lợi khác là công nghệ tiên tiến sẽ giúp giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, không gây hại môi trường… Hơn thế nữa, công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng suất và kiểm soát chất lượng, sự kết hợp giữa nhiều giải pháp công nghệ với nhau còn giúp đổi mới các hoạt động của doanh nghiệp từ phân tích hành vi của khách hàng, sáng tạo sản phẩm mới, quảng bá sản phẩm, tư vấn trực tuyến, kiểm soát sản xuất và chất lượng tự động, quản lý tài chính, làm việc từ xa...

Nhiều chuyên gia đã kết luận, công nghệ mới chính là chìa khóa để doanh nghiệp tồn tại trong thời đại hiện nay và doanh nghiệp nào tụt hậu trên “con đường” cập nhật công nghệ, đồng nghĩa với tụt hậu trên “mặt trận” kinh doanh. Ngày nay, những doanh nghiệp, tập đoàn lớn không chỉ ứng dụng công nghệ mà còn chủ động đầu tư sáng tạo và sản xuất công nghệ rồi kinh doanh chính những giải pháp đó. Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) thậm chí còn được dự đoán sẽ thay thế phần lớn công việc của con người trong tương lai.

Vậy nên, đầu tư đổi mới công nghệ vừa là đòi hỏi của thời đại, vừa là áp lực lớn đối với giới doanh nghiệp (cả trong nước lẫn ngoài nước). Trong bối cảnh này, cần có những chính sách thật sự hiệu quả khuyến khích, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng giúp nhau tồn tại và phát triển.

Vi Lâm

Tin xem nhiều