Với hơn 96,2 triệu dân, là quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, thứ 3 khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn nhất hiện nay trên thế giới.
Với hơn 96,2 triệu dân, là quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, thứ 3 khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn nhất hiện nay trên thế giới. Chưa kể, kinh tế tăng trưởng nhanh và người dân (trong đó giới trẻ chiếm phần lớn) “chịu” tiêu dùng và mua sắm cũng là những “điểm cộng” lớn cho thị trường nội địa.
Nhưng một nghịch lý khá lớn là nhiều năm qua, những ngành sản xuất “nòng cốt” như: nông sản, chế biến gỗ, may mặc, giày dép... lại chủ yếu hướng mạnh về xuất khẩu sản phẩm, thay vì đầu tư đúng mức cho thị trường nội địa.
Trong khi đó, những tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, giày dép, hóa mỹ phẩm… của những quốc gia khác lại chú trọng sản xuất và phân phối ngay tại thị trường Việt Nam. Xu thế này càng trở nên mạnh mẽ hơn khi Việt Nam đã và đang từng bước mở cửa thị trường, thu hút đầu tư, nhập khẩu hàng hóa.
Mặc dù trong khoảng 10 năm qua, dưới sự khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước, những nhà sản xuất nội địa đã chú tâm hơn đến việc “chiếm lĩnh sân nhà”, song sòng phẳng mà nói, sự nỗ lực đó vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng của một thị trường rộng lớn. Trên từng kệ hàng trong chợ, trong siêu thị… hiện nay, hàng Việt vẫn đang vất vả cạnh tranh với hàng ngoại nhập đến từ nhiều quốc gia, khu vực như: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu…
Thực ra, không phải các doanh nghiệp xuất khẩu không đánh giá được tiềm năng của thị trường trong nước. Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất giày dép lớn tại Đồng Nai phân tích, chỉ cần mỗi năm một người Việt Nam mua một đôi giày/dép thì nhu cầu thị trường đã lên đến gần 100 triệu đôi. Doanh nghiệp nào không “ham”? Tuy nhiên, dưới góc độ doanh nghiệp sản xuất, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, phát triển kênh phân phối rộng khắp, đứng vững và cạnh tranh được với hàng ngoại là một con đường đầy thử thách, đòi hỏi rất nhiều nguồn lực và kinh nghiệm thương trường dày dạn. Có năng lực sản xuất hàng hóa tốt không có nghĩa là có khả năng bán hàng tốt.
Hiện tại, trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh Covid-19, vấn đề quay về thị trường nội địa đang được đặt ra một cách nghiêm túc hơn khi tại nhiều thị trường, xuất khẩu đang gặp khó. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dày dạn thuộc các ngành nông sản, đồ gỗ, giày dép, thủy sản… đã và đang tính chuyện xây dựng thương hiệu và mở rộng phân phối ở thị trường trong nước sau nhiều năm bôn ba “mang chuông đi đánh xứ người”.
Để doanh nghiệp có thể “quay về” và chiếm lĩnh thị trường nội địa, cần sự trợ lực từ nhiều phía, với cách đi bài bản, lâu dài. Trong đó, quan trọng nhất là phải xây dựng được các kênh phân phối ổn định, rộng lớn hơn bởi vì đây chính là một trong những điểm yếu lớn nhất của doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước. Tính liên kết, hỗ trợ giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối lỏng lẻo cũng là yếu tố khiến con đường quay về sân nhà của nhiều doanh nghiệp gặp nhiều chông gai. Mặc dù vậy, xây dựng mạng lưới tiêu thụ ngay tại sân nhà, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa là hướng đi đúng đắn, bài bản mà Nhà nước lẫn doanh nghiệp cần xác định và cùng nhau thực hiện.
Vi Lâm