Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần thêm sự chủ động của các địa phương

09:03, 26/03/2020

Cách đây hơn một năm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 39 về phân cấp quản lý, ủy quyền quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Cách đây hơn một năm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 39 về phân cấp quản lý, ủy quyền quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Mục đích của quyết định này là tăng quyền tự chủ cho các địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích; tăng cường kết nối, quảng bá du lịch; kêu gọi các nguồn lực cùng chung tay bảo tồn di tích.

Như vậy, thay vì các di tích được xếp hạng (cấp quốc gia và cấp tỉnh) được sự quản lý trực tiếp từ tỉnh sẽ được giao về cho địa phương, ban quý tế, ban trị sự các đình, đền... trực tiếp quản lý, tổ chức hoạt động. Sở VHTT-DL là đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về di tích, danh thắng, tổ chức lễ hội đối với các di tích được xếp hạng.

Đồng Nai hiện có hơn 1.500 di tích phổ thông, 57 di tích đã được xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 26 di tích cấp tỉnh). Qua hơn 1 năm thực hiện phân cấp quản lý, hệ thống di tích đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm bảo vệ, trùng tu và tôn tạo để phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhiều địa phương đã mạnh dạn kêu gọi các nguồn lực đầu tư cho công tác trùng tu, cải tạo di tích. Nhờ đó, không ít di tích đã được trùng tu, tôn tạo khang trang từ nguồn vốn ngân sách cùng xã hội hóa như: đình Phú Mỹ (H.Nhơn Trạch), địa đạo Suối Linh (H.Vĩnh Cửu), đền thờ quốc Tổ Hùng Vương, nhà hội Bình Trước, nhà Xanh (TP.Biên Hòa)... Đặc biệt, có những công trình tu sửa, cải tạo, nâng cấp được thực hiện hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa như: tháp Phật tại cụm di tích đình Xuân Lộc, chùa Xuân Hòa (TP.Long Khánh), chùa Bửu Phong (TP.Biên Hòa)…

Một cán bộ nhiều năm công tác trên lĩnh vực quản lý di tích cho biết, trước đây, khi chưa có quyết định về phân cấp quản lý, di tích xuống cấp muốn cải tạo, nâng cấp mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều quy trình, thủ tục khác nhau. Thậm chí cả khi không sử dụng nguồn vốn của Nhà nước để cải tạo, tu sửa, nâng cấp di tích cũng khó vì vướng những quy định ràng buộc. Việc phát huy hiệu quả giá trị của di tích cũng vì thế mà ít nhiều bị ảnh hưởng. Khi có quyết định phân cấp quản lý, các địa phương đã chủ động hơn trong việc kêu gọi nguồn xã hội hóa đầu tư cho di tích; tổ chức được một số hoạt động quảng bá giá trị di tích…

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khá ít địa phương có được sự chủ động này. Khó khăn về kinh phí vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến việc triển khai các dự án tu sửa, cải tạo, nâng cấp di tích còn chậm. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa quy hoạch bảo tồn di tích với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chưa có sự phối hợp đồng bộ quy hoạch bảo tồn di sản với quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các ngành. Đội ngũ những người làm công tác bảo tồn di tích trong tỉnh đặc biệt là ở cấp huyện còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn bảo tồn - bảo tàng nên còn lúng túng trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến di sản văn hóa khi đã được ủy quyền, phân cấp quản lý theo quy định. Đây là những hạn chế mà theo lãnh đạo ngành Văn hóa, sẽ tiếp tục phải có những giải pháp sát sườn hơn nữa trong thời gian tới  nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác quản lý, phát huy giá trị di tích.

Thiết nghĩ để việc phân cấp quản lý di tích phát huy được hiệu quả, cần thêm sự chủ động từ các địa phương.  

Minh Ngọc

 

 

Tin xem nhiều