Trong hơn 10 năm qua, hiếm có lĩnh vực nào mà các quy định, chính sách pháp luật, hành lang pháp lý... lại có sự thay đổi nhiều như lĩnh vực đất đai.
Trong hơn 10 năm qua, hiếm có lĩnh vực nào mà các quy định, chính sách pháp luật, hành lang pháp lý... lại có sự thay đổi nhiều như lĩnh vực đất đai. Dù liên tục được sửa đổi, cập nhật, song phải nhìn nhận là chính sách và quy định vẫn chưa theo kịp thực tế, dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh diễn ra trong quá trình thực thi chính sách. Trong đó, các bất cập về giá đất đền bù, chính sách giải tỏa, tái định cư cho người dân khi thu hồi đất để thực hiện các dự án thuộc vào hàng “nóng” nhất.
Theo kế hoạch, trong năm 2020, Đồng Nai sẽ phải thu hồi khoảng 18,7 ngàn ha đất để thực hiện hàng loạt dự án và “siêu dự án” cấp quốc gia (nằm trên địa bàn tỉnh hoặc đi qua địa bàn tỉnh); các dự án do tỉnh triển khai; các dự án cấp huyện… Trong đó, có dự án mà diện tích đất phải thu hồi lên đến hàng ngàn ha, như dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vừa phải đẩy nhanh mọi khâu để bàn giao trước 1,8 ngàn ha diện tích xây dựng sân bay giai đoạn 1, vừa phải triển khai nhanh khu tái định cư rộng hàng trăm ha cho người dân thuộc diện thu hồi đất sớm ổn định nơi ăn chốn ở.
Xét từ phía các địa phương, việc thu hồi hàng trăm hay hàng ngàn ha đất không phải là chuyện dễ dàng. Ví dụ, một địa phương cấp huyện như H.Long Thành sẽ phải thu hồi 8.758ha đất cho gần 120 dự án; H.Nhơn Trạch phải thu hồi hơn 4 ngàn ha cho 170 dự án; H.Trảng Bom phải thu hồi hơn 1,3 ngàn ha cho gần 100 dự án…
Giữa bộn bề khó khăn của năm 2020, đặc biệt khi cả nước còn đang gồng mình phòng, chống đại dịch Covid-19, thì áp lực thu hồi gần 18,7 ngàn ha đất còn trở nên nặng nề hơn khi nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh. Doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều chủ đầu tư phải cân đối lại nguồn lực tài chính, thu ngân sách dự kiến sẽ rất khó khăn… do đó, sự nỗ lực của các bên: Nhà nước - doanh nghiệp - người dân là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Lãnh đạo tỉnh đã xác định từ đầu năm 2020 rằng, dù cho 2020 là một năm đầy thách thức, song một trong những nhiệm vụ hàng đầu là phải dồn lực thực hiện đúng tiến độ các dự án trọng điểm, cấp bách trên địa bàn.
Hàng trăm dự án trong diện phải thu hồi đất tại Đồng Nai hầu hết đều là những dự án quan trọng. Do đó, từng người dân có lẽ cần thấy đầy đủ lợi ích và trách nhiệm của mình trong đó. Vậy nên, trong khái niệm “theo giá thị trường” hoặc “áp sát giá thị trường”, cần sự phân định tương đối rõ ràng trong việc xác định “như thế nào là giá thị trường” bởi thực tế trong 3 năm qua, tại nhiều địa phương, “giá thị trường” thay đổi chóng mặt, trong một thời gian rất ngắn có thể thay đổi khác nhau, gây rất nhiều khó khăn cho những người làm chính sách, cho các chủ đầu tư trong việc xác định giá đền bù.
Mặt khác, không thể phủ nhận, chỉ cần mở rộng, nâng cấp một tuyến đường liên xã hoặc liên huyện, thì những lợi ích đi kèm là không thể phủ nhận: giá đất giao dịch tăng, nhà cửa người dân có giá hơn, vận chuyển hàng hóa và nông sản dễ dàng dẫn đến sản xuất thuận lợi hơn… và rất nhiều lợi ích lâu dài khác. Do đó, tìm cách dung hòa lợi ích riêng, lợi ích chung, không để người dân thiệt thòi nhưng cũng tạo điều kiện để các dự án triển khai thuận lợi - là điều cần cân nhắc và tính toán kỹ càng.
Vi Lâm