Năm 2019 được coi là một năm khó khăn của xuất khẩu Đồng Nai khi chỉ đạt được mức tăng trưởng 7,1% (trong khi chỉ tiêu đề ra là tăng 10-12%).
Năm 2019 được coi là một năm khó khăn của xuất khẩu Đồng Nai khi chỉ đạt được mức tăng trưởng 7,1% (trong khi chỉ tiêu đề ra là tăng 10-12%). Có nhiều lý do khách quan dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu sau nhiều năm giữ mức cao lại tăng chậm lại, trong đó nguyên nhân chính là do ảnh hưởng lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Cuộc chiến thương mại này đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình sản xuất và đơn giá xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - vốn là khối doanh nghiệp chiếm tỉ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu của Đồng Nai.
Trong khi đó, năm 2020 lại khởi đầu với những khó khăn đặc thù riêng. Cụ thể, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) khởi nguồn từ Trung Quốc đang đặt nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vào những nỗi lo lắng mà trước đây họ không ngờ đến. Đơn cử, nhiều nhà máy tại Trung Quốc hiện đang dừng sản xuất tạm thời để phòng ngừa dịch bệnh, điều này có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp tại hàng loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Một ví dụ nhỏ, nhiều doanh nghiệp ngành may mặc và giày dép đang nhập khẩu khoảng 60-70% nguyên phụ liệu cho các đơn hàng, nay nguồn cung nguyên phụ liệu gặp khó, không phải doanh nghiệp nào cũng xoay xở kịp. Nếu không tìm được nguồn nguyên phụ liệu thay thế kịp thời và dịch bệnh tại Trung Quốc diễn biến kéo dài thì các đơn hàng không chỉ chậm lại mà còn có nguy cơ đình đốn. Với xuất khẩu nông sản, mối lo này còn trực diện hơn khi hiện tại, nhiều vùng của Trung Quốc đang tạm ngưng nhập khẩu, đóng cửa tạm thời hoặc kiểm soát vô cùng chặt chẽ các cửa khẩu để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, dẫn đến nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai và nhiều địa phương khác trong cả nước bị dư thừa, ùn ứ.
Có thể nói, 2020 tiếp tục là năm nhiều thách thức của nền kinh tế nói chung và xuất khẩu nói riêng khi hiện tại, những hệ quả của dịch bệnh gây ra cho nền kinh tế thế giới vẫn chưa thể đo đếm được. Đồng Nai đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cho năm 2020 ở mức 10-11% và hiện đã có nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng. Trong ngắn hạn, với những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tận dụng được lợi thế về thị trường, thuế quan, đặc biệt với các FTA quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Mặt khác, Việt Nam đang nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu thay vì chỉ tập trung một số ít thị trường truyền thống như trước đây. Thêm vào đó là tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, nâng cao nội lực của từng doanh nghiệp… Tóm lại, cần xác định trong mỗi thời kỳ, “sóng gió” là chuyện bình thường, vấn đề là cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp sẽ phải cùng nhau chung tay tìm đường “vượt sóng”, bởi xuất khẩu vẫn là lĩnh vực trọng yếu của cả nền kinh tế trong tương lai.
Vi Lâm