Trong bối cảnh toàn cầu hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ, việc khơi thông các liên kết trên nhiều mặt, nhiều cấp độ (huyện - tỉnh - vùng - quốc gia) trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Có liên kết mới có những bước phát triển đột phá và tạo được sức mạnh chung cho toàn vùng.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ, việc khơi thông các liên kết trên nhiều mặt, nhiều cấp độ (huyện - tỉnh - vùng - quốc gia) trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Có liên kết mới có những bước phát triển đột phá và tạo được sức mạnh chung cho toàn vùng. Trong đó, tại Đồng Nai, thực tế trước mắt là phải kết nối được hạ tầng giao thông giữa các địa phương và các vùng kinh tế với nhau thông qua hàng loạt dự án lớn nhỏ - lâu nay bị đánh giá còn khá lỏng lẻo.
Một ví dụ đơn giản nhất, cách đây 10 năm, khi Đồng Nai bắt đầu đầu tư xây dựng các khu công nghiệp miền núi thì việc thu hút doanh nghiệp vào thuê đất hết sức khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đến rồi đi dù giá thuê đất đã được hạ xuống mức thấp nhất có thể, thậm chí nhà đầu tư hạ tầng chấp nhận không có lãi, nhưng khó vẫn hoàn khó.
Nguyên nhân lớn nhất nằm ở chỗ các tuyến đường dẫn từ trung tâm TP.Biên Hòa đến các khu công nghiệp miền núi như: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc… toàn là các tuyến quốc lộ “độc đạo” và thời điểm đó còn chưa được nâng cấp mở rộng, thường xuyên kẹt xe và hư hỏng. Doanh nghiệp nào cũng ngại ngần thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu từ các khu công nghiệp vùng xa về đến trung tâm thành phố, về các cảng sông, cảng biển quá xa và tốn kém chi phí quá nhiều. Cho đến khi các quốc lộ 1 và 20 được nâng cấp mở rộng, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn tất, các khu công nghiệp nói trên mới nhanh chóng lấp đầy vì giao thông đã được khơi thông.
Điều này cho thấy, hạ tầng giao thông đóng vai trò “xương sống” trong phát triển kinh tế, liên kết giao thông giữa các địa phương càng thuận lợi, kinh tế càng dễ dàng phát triển mạnh và nhanh. Chính vì thế, trong các diễn đàn, hội thảo cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh, một trong những vấn đề “nóng bỏng” nhất được bàn đến là làm thế nào để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển giao thông nhằm tạo ra những liên kết thuận tiện, bền vững trong phát triển kinh tế.
Với Đồng Nai, dù có nhiều nỗ lực nhưng khách quan mà nói, liên kết vẫn còn khá hạn chế ở cả 2 cấp độ: giữa các vùng, các địa phương nội tỉnh với nhau và giữa Đồng Nai với các tỉnh, thành trong và ngoài Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thẳng thắn mà nói thì hạ tầng và liên kết giao thông hiện nay không thể đáp ứng cho nhu cầu phát triển giai đoạn tới và nếu không được cải thiện, “nhịp” tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai có thể bị “chững” lại trong thời gian tới.
Ý thức rõ điều này, Đồng Nai đã đề ra nhiều giải pháp, vận dụng mọi nguồn lực trong khả năng có thể để khơi thông liên kết trên nhiều cấp độ. Năm 2020 và giai đoạn tới, nhiều dự án giao thông cấp huyện, cấp tỉnh và dự án giao thông quốc gia đã và đang được triển khai ráo riết. Dự kiến trong 5 năm tới, hệ thống hạ tầng giao thông nội tỉnh sẽ có những chuyển biến ấn tượng nhằm mục tiêu liên kết, tận dụng, phát triển các nguồn lực. Ở mức độ liên kết vùng, hệ thống đường cao tốc, đường vành đai liên kết vùng và đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành hứa hẹn sẽ giúp Đồng Nai khơi thông các nguồn lực cho phát triển, không phải chỉ trước mắt mà còn lâu dài về sau.
Vi Lâm