Ngay ngày đầu năm 2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực đã quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia.
Ngay ngày đầu năm 2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực đã quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia. Thời điểm này, không ít ý kiến cho rằng, quy định cấm nói trên khó triển khai thực hiện vì văn hóa uống rượu, bia đang rất phổ biến, nhất là thời điểm luật có hiệu lực gần ngày Tết Nguyên đán thường diễn ra các buổi liên hoan, tiệc tùng tất niên. Thế nhưng, khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 100) ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực quy định mức xử phạt rất nặng đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn và được các ngành chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức của người dân trong việc “nói không với rượu, bia” khi điều khiển phương tiện giao thông. Bằng chứng là số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông trong tháng 1-2020 giảm đáng kể. Điều đáng mừng là hiếm có quy định pháp luật nào chỉ sau một thời gian ngắn áp dụng lại tạo ra chuyển biến tích cực như vậy.
Qua đó cho thấy, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, có tác động tích cực, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông (đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội). Chính điều này càng khẳng định các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 là đúng đắn, ngày càng nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân.
Còn nhớ, cách đây 13 năm, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông trên tất cả các tuyến đường bộ có hiệu lực. Thời điểm đó, quy định này vấp phải sự phản ứng khá dữ dội của dư luận và người dân vì cho rằng sẽ có nhiều bất tiện, nhưng Chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện và ngành chức năng ra quân kiểm tra, xử lý rất nghiêm. Trong đợt tổng kết 10 năm kể từ khi thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, cả nước đã giảm được 15 ngàn người chết, giảm 500 ngàn vụ chấn thương đầu nghiêm trọng do tai nạn giao thông. Đây là một con số khá ấn tượng chứng minh rằng chủ trương của Chính phủ rất đúng đắn. Nhiều năm nay, việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe máy đã thành thói quen của mọi người.
Do đó, để người dân cũng có thói quen “nói không với rượu, bia” khi điều khiển phương tiện giao thông thì ngay từ ban đầu, việc các cơ quan chức năng xử phạt nghiêm theo các chế tài trong Nghị định 100 là yêu cầu bắt buộc, giúp người dân từng bước điều chỉnh, thay đổi hành vi; từ đó dần thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia khi lái xe. Muốn vậy cần phải nâng cao năng lực, trách nhiệm của những người thi hành công vụ trong việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có các biện pháp hạn chế quảng cáo, tiếp thị rượu, bia; không để người dân, kể cả trẻ em, mua đồ uống có cồn một cách dễ dàng. Nếu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện; đông đảo người dân đồng tình ủng hộ thì Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả lâu dài.
Thanh Hải