Thông tin ngày 12-2-2020 Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam thực sự đã trở thành một tín hiệu đầy tích cực, mở ra "cơ hội vàng" thúc đẩy sự chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu giữa lúc đại dịch Covid-19 đang lan rộng, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Thông tin ngày 12-2-2020 Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam thực sự đã trở thành một tín hiệu đầy tích cực, mở ra “cơ hội vàng” thúc đẩy sự chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu giữa lúc đại dịch Covid-19 đang lan rộng, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã tổ chức họp báo công bố tin vui này rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp (DN). Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU và chỉ sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ các dòng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam
Có lẽ chưa bao giờ kinh tế Việt Nam được đánh giá là “rộng cửa hết cỡ” như hiện nay, thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cả thị trường trong nước lẫn thị trường thế giới đã và đang dần dần “phẳng”.
Ngoài chuyện nhận diện thời cơ và đối mặt với thách thức, thì hơn lúc nào hết, vấn đề làm sao để lớn mạnh về nội lực của DN Việt Nam đang dần trở nên bức bách. Cho đến hiện tại, sự tham gia của khối DN trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu được đánh giá là khởi sắc hơn nhiều so với thời cách đây 10 năm, khi DN Việt Nam bị đánh giá là “không làm nổi một con ốc vít”. Nhiều DN đã vượt qua được sự đánh giá khắt khe của khách hàng (các tập đoàn đa quốc gia với những thương hiệu nổi tiếng) để tham gia vào một hoặc nhiều khâu của chuỗi giá trị, khẳng định năng lực và tên tuổi của mình. Mặc dù vậy, tốc độ tham gia của khối DN trong nước vào các chuỗi giá trị vẫn bị đánh giá là chậm hơn khá nhiều so với các nước cùng khu vực, như Thái Lan hoặc Malaysia… Ngoài hạn chế về cơ chế, chính sách, thì những điểm yếu cố hữu thuộc về nội lực cũng được cho là nguyên nhân chính khiến DN gặp nhiều rào cản khi tham gia các chuỗi giá trị này. Đó là trình độ công nghệ chưa cao, vốn ít, nhân lực chất lượng cao khan hiếm, kinh nghiệm tham gia thị trường chưa nhiều… Chỉ khi cải thiện được những yếu tố này, tốc độ gia nhập các chuỗi giá trị lớn mới được tăng lên và theo sau đó là sự tham gia sâu hơn, xây dựng được thương hiệu riêng trong từng chuỗi giá trị.
Ngoài việc cải thiện nội lực, tinh thần đoàn kết và khả năng kết nối, hỗ trợ lẫn nhau của DN trong nước cũng được đặt ra. Thị trường càng lớn, cạnh tranh càng cao thì sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau của khối DN trong nước càng quan trọng. Chuyển giao công nghệ, liên kết để nhận các hợp đồng lớn, chia sẻ kinh nghiệm tham gia sâu vào các chuỗi giá trị, chia sẻ thông tin thị trường… sẽ khiến cộng đồng DN mạnh lên và nắm được nhiều thời cơ lớn trong một thị trường chung ngày càng cạnh tranh quyết liệt.
Vi Lâm