Báo Đồng Nai điện tử
En

''Lời giải'' chung cho trồng trọt

08:02, 10/02/2020

Có vẻ như thách thức về tiêu thụ sản phẩm mà thị trường đặt ra ngày nay cũng khó khăn không kém thách thức trong tăng năng suất, sản lượng của ngành trồng trọt Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng cách đây hơn 10 năm.

Có vẻ như thách thức về tiêu thụ sản phẩm mà thị trường đặt ra ngày nay cũng khó khăn không kém thách thức trong tăng năng suất, sản lượng của ngành trồng trọt Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng cách đây hơn 10 năm. Thời kỳ trước, bài toán lớn nhất của nhà nông là phải tìm mọi cách tăng năng suất, tối đa hóa sản lượng, càng đẩy mạnh năng suất càng hiệu quả.

Tuy nhiên, khi rất nhiều nông dân trên cả nước nói chung và thế giới nói riêng giải được bài toán về sản lượng thì một bài toán khó hơn lại đặt ra là tiêu thụ sản phẩm. Cơ giới hóa, công nghệ, giống và các phương pháp canh tác tiên tiến chỉ giải quyết phần sản lượng, nhưng không giải quyết được thị trường tiêu thụ cho nông dân.

Với các loại cây công nghiệp, năng suất và sản lượng gần như đã được nông dân tối đa hóa hết mức có thể, nhưng tiêu thụ sản phẩm ngày càng khó khăn hơn do phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác trong xuất khẩu. Tiêu, điều, cao su… đều là những cây công nghiệp chủ lực đem lại lợi nhuận lớn cho nông dân một thời, nhưng nay càng trồng càng lỗ khiến nông dân thi nhau chặt bỏ để trồng cây khác, cụ thể là các loại trái cây.

Tuy nhiên, quan sát rộng ra, trái cây cũng đang vấp phải một khó khăn tương tự: năng suất, sản lượng tăng mạnh nhưng không biết bán đi đâu ngoài việc xuất thô sang các thị trường “dễ tính” như Trung Quốc.

Mấu chốt ở đây là sự phát triển của ngành chế biến nông sản đã không theo kịp tốc độ tăng năng suất và sản lượng. Ở các quốc gia nông nghiệp phát triển, chế biến nông sản, đặc biệt là chế biến sâu luôn được quan tâm thu hút đầu tư sớm, song song với việc đầu tư mở rộng diện tích và tăng sản lượng. Ngành chế biến non yếu khiến nông sản Việt Nam hầu hết chỉ xuất thô với giá rẻ, không thương hiệu, không giá trị gia tăng. Một mối nguy khác khi ngành chế biến non kém là khi được mùa, nguồn cung dư thừa, nông dân lại phải đổ bỏ vì bán thị trường nội địa không được, xuất khẩu cũng không xong.

Ý thức được điều này từ lâu, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư mạnh vào ngành chế biến nông sản từ nhiều năm nay. Ngành chế biến nông sản tại Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển do tổng sản lượng sản xuất lớn, vùng nguyên liệu chất lượng cao, có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm vị trí dẫn đầu trên thế giới như: gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản… Ngoài ra, thị trường tiêu thụ rộng lớn, thu hút cả doanh nghiệp trong và ngoài nước rót vốn đầu tư.

Tuy nhiên, rào cản cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào chế biến vẫn còn nhiều. Trong đó có những khó khăn đặc thù như: chưa kết nối được vùng nguyên liệu sản phẩm; chưa “bắt tay” được với nông dân; thiếu vốn, mặt bằng sản xuất, công nghệ… và các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp chưa thực sự thuyết phục doanh nghiệp đầu tư lâu dài. Song, nói cho cùng, phát triển chế biến sâu là điều dứt khoát phải làm để giải bài toán chung cho nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều