Thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ. Điều này không nằm ngoài mục đích từng bước hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam, xây dựng chuỗi giá trị nông sản và hỗ trợ doanh nghiệp - nông dân làm giàu.
Thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ. Điều này không nằm ngoài mục đích từng bước hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam, xây dựng chuỗi giá trị nông sản và hỗ trợ doanh nghiệp - nông dân làm giàu.
Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm “trợ lực” cho các dự án NNCNC với nhiều nội dung hỗ trợ về tiếp cận vốn, tiếp cận quỹ đất, phát triển công nghệ và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư các dự án NNCNC cho biết, họ chưa cảm nhận được nhiều về tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đặc thù này. Trong đó, 2 điểm nghẽn lớn nhất vẫn là tiếp cận vốn và quỹ đất.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư các dự án NNCNC cho biết, họ chưa cảm nhận được nhiều về tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đặc thù này. Trong đó, 2 điểm nghẽn lớn nhất vẫn là tiếp cận vốn và quỹ đất.
Một cách công bằng, Chính phủ đã sớm nhìn thấy những khó khăn này và trong các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp cũng nhấn mạnh các nội dung hỗ trợ về vốn và quỹ đất. Tuy nhiên, do không có nguồn vốn đặc thù bố trí dành riêng để phát triển NNCNC nên tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng phải qua hệ thống các ngân hàng thương mại với những thủ tục, hồ sơ như bao doanh nghiệp, dự án bình thường khác và mức lãi suất cũng không thấp hơn là bao. Do đó, ngay cả bản thân doanh nghiệp đầu tư dự án công nghệ cao cũng không mặn mà. Tương tự là quỹ đất, với đặc thù sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quỹ đất cũng là rào cản lớn cho những doanh nghiệp đầu tư NNCNC ở quy mô vừa và quy mô lớn. Chưa kể, giá đất thị trường tăng “phi mã”, nhiều địa phương thiếu hụt quỹ đất lớn nên việc dành riêng những ưu đãi cho các dự án NNCNC trở thành một thách thức lớn.
Mặc dù vậy, điều đáng ghi nhận là Chính phủ nói riêng và các địa phương nói chung luôn liên tục lắng nghe, giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tế để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bởi đây là định hướng chính trong phát triển nông nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng “mở” và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức cho nông nghiệp.
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tâm huyết với NNCNC đã nêu kiến nghị, Nhà nước cần đổi mới chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng, ưu đãi về thuế, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu… theo hướng khuyến khích càng nhiều càng tốt các dự án và sản phẩm nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Với đối tượng được hưởng chính sách cần có bộ tiêu chí xác định mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, nghĩa là chính sách cần mở ra cho mọi đối tượng và thành phần kinh tế, chỉ cần đảm bảo đúng quy hoạch, đúng đối tượng.
Một vấn đề lớn khác mà chính sách cần sớm xây dựng là thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm làm ra từ các dự án công nghệ cao trong nông nghiệp, tránh “đánh đồng” sản phẩm chất lượng với sản phẩm bình thường, gây nản lòng doanh nghiệp và nông dân. Nhìn chung, chính sách sẽ còn được thay đổi và cập nhật cho phù hợp với thực tế phát sinh cũng như định hướng phát triển, song ngay từ lúc này, những gì có thể cải thiện được thì cần sớm cải thiện để tạo nền tảng cho tương lai.
Vi Lâm