"Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona", "nCoV", "dịch viêm phổi Vũ Hán"... là những "hot key" - "từ khóa nóng" xuất hiện với mật độ dày đặc từ thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý cho đến nay. Cơn lốc ấy phủ sóng trên toàn thế giới và len lỏi vào từng câu chuyện của mỗi gia đình cũng như đời sống của mỗi người.
“Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona”, “nCoV”, “dịch viêm phổi Vũ Hán”... là những “hot key” - “từ khóa nóng” xuất hiện với mật độ dày đặc từ thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý cho đến nay. Cơn lốc ấy phủ sóng trên toàn thế giới và len lỏi vào từng câu chuyện của mỗi gia đình cũng như đời sống của mỗi người.
Với vị trí là một quốc gia láng giềng có chung biên giới trên bộ, trên biển và quan hệ hợp tác, giao thương trên nhiều mặt (thương mại, đầu tư, du lịch, xuất nhập cảnh...) với mức độ và quy mô lớn với Trung Quốc nên Việt Nam khó tránh khỏi những tác động cả trực tiếp và gián tiếp, trên diện rộng của dịch. Thực tiễn hai tuần qua cho thấy, bên cạnh tác động lớn nhất của dịch nCoV đến sức khỏe và tâm lý cộng đồng, dịch này cũng đã tác động rất nhanh và trực tiếp đến các mặt của kinh tế Việt Nam. Quốc tế đánh giá về tình hình dịch nCoV là khá nghiêm trọng, tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, còn nhiều điều không chắc chắn về quy mô và mức độ của dịch, vì vậy, cần có thái độ bình tĩnh, tránh hoang mang.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trong tháng 1-2020, song song với việc chủ trì nhiều cuộc họp khẩn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1 công điện, 2 chỉ thị, 2 quyết định nhằm chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng, chống dịch bệnh này. Mới đây nhất, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý Chính phủ chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chính phủ đã có kịch bản ứng phó trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho người dân tinh thần quyết tâm, không chủ quan, không gây hoang mang, lo lắng. Triển khai thực hiện ngay các đối sách giảm thiểu tác động kinh tế do dịch bệnh.
Trong lúc “dầu sôi, lửa bỏng” này, có một loại dịch nguy hiểm không kém nCoV. Đó là dịch “thông tin giả” gây nhiễu loạn xã hội. Trong khi cả nước đang tập trung mọi nguồn lực để phòng chống dịch nCoV thì trên mạng xã hội, một số đối tượng đã lợi dụng việc này để tung những thông tin giả nhằm “câu like”, “câu view”, kêu gọi nghỉ việc, đồng thời không loại trừ những ý đồ thâm hiểm khác.
Tác động của “tin giả” đã thấy rõ Người dân đổ xô tích trữ khẩu trang, tích trữ lương thực… Một số người kinh doanh “té nước theo mưa”, găm hàng, đẩy giá… Đây là hành vi rất nguy hiểm, người dân cần bình tĩnh và tỉnh táo trước “cơn bão” thông tin, tránh vô tình tiếp tay cho “thông tin giả”. Còn các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp xử lý các đối tượng gây nhiễu loạn một cách nghiêm khắc.
Một dịch nCoV đã quá đủ, người dân bình tĩnh tuân thủ hướng dẫn phòng, chống dịch của Bộ Y tế, kiên quyết không để thông tin giả trở thành một loại “dịch” làm rối loạn xã hội trong lúc này.
Lâm Viên