Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi 'gió' đảo chiều

09:01, 01/01/2020

Năm 2019, thị trường thế giới nhiều phen chứng kiến sự căng thẳng leo thang trong cạnh tranh thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc. Bằng những đòn trừng phạt thuế quan, nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc không cạnh tranh nổi ở thị trường Hoa Kỳ, quay lại tiêu thụ ở thị trường nội địa, trong đó có trái cây.

Năm 2019, thị trường thế giới nhiều phen chứng kiến sự căng thẳng leo thang trong cạnh tranh thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc. Bằng những đòn trừng phạt thuế quan, nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc không cạnh tranh nổi ở thị trường Hoa Kỳ, quay lại tiêu thụ ở thị trường nội địa, trong đó có trái cây. Điều này dĩ nhiên gây ảnh hưởng rất lớn đến trái cây xuất khẩu của Việt Nam khi có đến gần 70% sản lượng trái cây Việt Nam được xuất vào thị trường Trung Quốc.

Sự “đảo chiều” này đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu đã đến lúc Việt Nam có những chính sách mạnh mẽ hơn trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu rau quả, trái cây, thay vì cứ lệ thuộc quá lớn vào một thị trường truyền thống bao năm nay là Trung Quốc?

Số liệu tính đến hết tháng 11-2019 do Tổng cục Hải quan công bố ghi nhận mức sụt giảm đáng kể về kim ngạch xuất khẩu rau quả, trái cây của Việt Nam với mức giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2018. Song, “bóc tách” số liệu cho thấy, chỉ có thị trường Trung Quốc là giảm mạnh với mức giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2018, còn lại các thị trường khác đều tăng trưởng khá mạnh. Tuy nhiên, quy mô xuất khẩu vào các thị trường tăng trưởng tốt lại quá nhỏ bé, do đó tính chung thì kim ngạch vẫn bị giảm sút.

Mặc dù vậy, có thể thấy sự tăng trưởng ở nhiều thị trường đặt ra một triển vọng khá lớn cho trái cây và rau quả Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu tăng đồng nghĩa với việc các thị trường khó tính đã rộng cửa hơn với hàng Việt. Cụ thể, xuất khẩu trái cây Việt Nam vào thị trường Mỹ trong 11 tháng của năm 2019 đã tăng 9,3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang thị trường EU cũng tăng mạnh với mức tăng 30,6%; xuất sang Hàn Quốc tăng 14,3% và sang thị trường Đông Nam Á tăng đến gần 50% so với cùng kỳ năm trước.

Vậy, chìa khóa ở đây rõ ràng là cần mở rộng quy mô xuất khẩu ở những thị trường tăng trưởng mạnh, giảm dần sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Điều này dẫn đến một bài toán tuy không mới nhưng cũng chưa có lời giải căn cơ: thay đổi trên diện rộng tập quán canh tác để cho ra những lô hàng trái cây, rau quả đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính.

Trong 5 năm qua, Đồng Nai tăng trưởng hàng ngàn hécta cây ăn trái, phá vỡ mọi tính toán và quy hoạch của tỉnh về diện tích và sản lượng cây ăn trái. Trên bình diện cả nước, sự tăng trưởng này còn nhanh hơn, “nóng” hơn ở một số tỉnh, thành. Diện tích càng lớn, áp lực bán hàng càng cao và chỉ một lần “gió đảo chiều” trong quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc là nông dân và doanh nghiệp trong nước “lãnh đủ” khi hàng hóa ùn ứ, thua lỗ kéo dài do không tiêu thụ được.

Trong một sớm một chiều, nông dân và doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng khó có thể đổi mới tư duy, áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao và cùng bắt tay liên kết để có sản lượng đồng đều và mở rộng thị trường xuất khẩu. Song nếu không phải hôm nay, thì đến bao giờ? Sự lệ thuộc vào một thị trường truyền thống đã “dạy” cho nông dân Việt Nam nhiều bài học đắt giá và hơn lúc nào hết, sự lệ thuộc đó buộc phải thay đổi.              

Vi Lâm

Tin xem nhiều