Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được áp dụng cho học sinh lớp 1 bắt đầu từ năm học 2020-2021. Đến thời điểm này, mới chỉ có đội ngũ giáo viên cốt cán được tham dự tập huấn, còn lại, giáo viên các trường tiểu học chủ yếu được "nghe nói" tới chương trình mà chưa được tiếp cận chính thức với các module của chương trình, đặc biệt là sách giáo khoa.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được áp dụng cho học sinh lớp 1 bắt đầu từ năm học 2020-2021. Đến thời điểm này, mới chỉ có đội ngũ giáo viên cốt cán được tham dự tập huấn, còn lại, giáo viên các trường tiểu học chủ yếu được “nghe nói” tới chương trình mà chưa được tiếp cận chính thức với các module của chương trình, đặc biệt là sách giáo khoa.
Nhiều giáo viên đang khá “sốt ruột” khi thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đã đến gần nhưng họ vẫn chưa được tiếp cận với 5 bộ sách giáo khoa đã được Bộ GD-ĐT lựa chọn chính thức để các địa phương lập hội đồng lựa chọn. Ngay cả đội ngũ giáo viên cốt cán đã được đi tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông mới cách đây gần hai tháng cũng cảm thấy bớt hào hứng khi phải chờ đợi quá lâu để truyền đạt lại cho các giáo viên khác. Sở GD-ĐT cũng lúng túng vì chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện ra sao, nhất là khi sách được cấp về chỉ đủ cung cấp cho các phòng giáo dục địa phương, các trường tiểu học và giáo viên chưa được “nhìn tận mắt, sờ tận tay” sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chính vì “sốt ruột” mà hôm nay 3-1, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch sẽ dẫn đầu đoàn công tác, trong đó chủ yếu là hiệu trưởng một số trường tiểu học đi Bình Thuận để nghe 2 nhà xuất bản của 5 bộ sách giáo khoa đã được Bộ GD-ĐT lựa chọn triển khai giới thiệu sách. Mục đích là để tìm hiểu kỹ, từ đó có hướng lựa chọn sách giáo khoa phù hợp cho tỉnh vì mục tiêu đổi mới giáo dục, tạo hứng khởi cho công tác dạy và học thời gian tới.
Trong tháng 1 này, hơn 300 hiệu trưởng các trường tiểu học trong tỉnh cũng sẽ được tham dự các buổi giới thiệu sách do 2 nhà xuất bản tổ chức tại Đồng Nai. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, nhằm tránh tình trạng các nhà xuất bản lợi dụng hội nghị giới thiệu sách để quảng cáo, lôi kéo địa phương, nhà trường mua sách của mình, Sở đã yêu cầu những nội dung hết sức cụ thể, trong đó tập trung làm rõ ưu, khuyết điểm, nhất là những lợi ích, điểm cải tiến đáng kể của từng bộ sách đem lại, giúp việc lựa chọn sách đi đúng hướng.
Tất nhiên, để đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT không chỉ phụ thuộc vào sách giáo khoa mà còn nhiều yếu tố khác, trong đó quan trọng nhất vẫn là từ đội ngũ giáo viên. Nếu như nội dung sách được đánh giá hay, tiến bộ, hơn hẳn sách của chương trình hiện hành nhưng giáo viên thụ động, thiếu sáng tạo, ngại đổi mới thì cũng rất khó để thành công. Do đó, bên cạnh việc nhanh chóng giới thiệu bộ sách giáo khoa mới đến giáo viên tiểu học, đội ngũ này cũng rất cần được tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn. Có như thế, những hy vọng về một “làn gió mới” trong giáo dục mới sớm trở thành hiện thực.
Minh Ngọc