Báo Đồng Nai điện tử
En

'Đối thủ' lớn nhất là chính mình

09:01, 20/01/2020

(ĐN)- Thực ra không phải đến lúc Việt Nam ký kết và gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) thì câu chuyện cạnh tranh giữa hàng Việt Nam với hàng ngoại nhập mới được đặt ra.

(ĐN)- Thực ra không phải đến lúc Việt Nam ký kết và gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) thì câu chuyện cạnh tranh giữa hàng Việt Nam với hàng ngoại nhập mới được đặt ra. Từ vài chục năm nay, kể cả khi chưa có cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng Việt đã phải khá vất vả mới “chen chân” được vào giỏ hàng của người tiêu dùng do tâm lý “sính hàng ngoại” đã ăn sâu.

Quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm tại Công ty cổ phần Lothamilk (TP.Biên Hòa)
Quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm tại Công ty cổ phần Lothamilk (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Quân

[links()]Hơn 10 năm trước, thị trường đã chứng kiến một giai đoạn khó khăn của hàng Việt khi Việt Nam bắt đầu hội nhập và hàng Trung Quốc giá rẻ lên ngôi. Từ đô thị đến thôn quê, trên mọi lĩnh vực và trong mọi ngành hàng, hàng Việt Nam vốn dĩ chưa đủ mạnh, nhưng ở thời điểm đó càng thêm lu mờ bởi sự chiếm lĩnh của hàng Trung Quốc. Nhận thấy điều đó, Bộ Chính trị đã khởi xướng cuộc vận động quy mô lớn Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đi cùng với cuộc vận động là rất nhiều chính sách, chương trình ủng hộ hàng Việt và khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất hàng hóa ngày một chất lượng hơn. Thông qua đó, thương hiệu của nhiều nhà sản xuất Việt Nam cũng được xây dựng và quảng bá rộng rãi. Cho đến nay, cuộc vận động đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về hàng Việt Nam và 10 năm qua, Việt Nam cũng đã dần xây dựng được một lực lượng những nhà sản xuất trong nước khá đông đảo và mạnh mẽ với hàng ngàn thương hiệu Việt Nam đủ sức tồn tại trên thị trường.

Tuy nhiên, khó khăn dường như vẫn còn ở phía trước khi tốc độ và mức độ hội nhập của Việt Nam ngày càng nhanh, rộng và sâu. Cùng với 16 FTA đã và đang thảo luận, ký kết, chờ có hiệu lực, trong đó đa số là những thỏa thuận “rộng tay” nhất về giảm và miễn thuế. Điều đáng nói là những làn sóng hàng nhập khẩu ngày nay không còn là hàng hóa giá rẻ kém chất lượng như trước, mà là những mặt hàng nhập khẩu chính ngạch, có thương hiệu xuất xứ rõ ràng và giá cả cạnh tranh. Điều này càng gây một áp lực cạnh tranh lớn hơn cho hàng Việt.

Thực tế, qua nhiều năm củng cố nội lực, hàng hóa trong nước nhìn chung đã có nhiều tiến bộ rõ rệt về chất lượng, giá cả, công nghệ, mẫu mã… và được đông đảo người mua tin dùng. Đó là những thế mạnh lớn nhất khi bước vào một “sân chơi” sòng phẳng, không thiên vị. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, yếu kém nội tại mà nhiều doanh nghiệp trong nước chưa thể vượt qua: vốn ít, công nghệ còn mỏng, giá cả chưa thực sự cạnh tranh vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố… Tất cả những tồn tại này, theo các chuyên gia lẫn doanh nghiệp, cần phải nhanh chóng được cải thiện, trước khi tất cả các hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ hoàn toàn. Và không phải chính sách, không phải “sự ưu tiên” của người tiêu dùng mà chính doanh nghiệp phải tự “cứu” mình trong một sân chơi sòng phẳng. Và suy cho cùng, “đối thủ” lớn nhất của hàng Việt Nam vẫn là bản thân doanh nghiệp sản xuất, vì chỉ khi vượt qua được những yếu kém nội tại, hàng Việt mới có thể được người tiêu dùng chọn mua giữa những loại hàng hóa đa dạng, phong phú, cạnh tranh cao trên kệ hàng.

Vi Lâm

Tin xem nhiều