Báo Đồng Nai điện tử
En

Công nghệ cao: cần cả 'sâu' và 'rộng'

09:01, 13/01/2020

Mỗi ngày, thế giới hiện đại có biết bao nhiêu giải pháp, sáng chế cho nông nghiệp - bởi nông nghiệp là ngành xương sống, là "nồi cơm" nuôi sống con người - do đó không có gì lạ khi quốc gia nào cũng ưu tiên ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp.

Mỗi ngày, thế giới hiện đại có biết bao nhiêu giải pháp, sáng chế cho nông nghiệp - bởi nông nghiệp là ngành xương sống, là “nồi cơm” nuôi sống con người - do đó không có gì lạ khi quốc gia nào cũng ưu tiên ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp.

Chính vì vậy, công nghệ trong nông nghiệp hiện nay đã tiến xa tới mức nhiều người khó tưởng tượng như: trồng cây không cần đất; trang bị máy đo diệp lục để xác định cây cần thêm chất gì, có đủ nắng để quang hợp hay không; các giải pháp điều khiển nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, giải pháp quyết định màu sắc, năng suất, dưỡng chất của sản phẩm... Công nghệ cao trong chăn nuôi cũng có những tiến bộ tương tự khi theo dõi được mấy đời con vật, quyết định chất lượng thịt, độ nạc, độ mỡ và những giải pháp thông minh giúp 1-2 nhân công có thể quản lý cả trang trại có hàng ngàn vật nuôi.

Nhiều năm qua, nông dân Việt Nam đã học hỏi và ứng dụng nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Với công nghệ thích hợp thì cả diện tích đất đai và khí hậu (vốn dĩ là 2 yếu tố cơ bản quan trọng nhất đối với nông nghiệp truyền thống) cũng không còn giữ vị trí nền tảng nữa. Tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Đồng Nai, công nghệ đã đem đến năng suất và lợi nhuận “không tưởng” cho nông dân khi chỉ chưa đầy 1 hécta đất trồng rau thủy canh, nông dân có thể đạt mức thu nhập đến hàng tỷ đồng.

Không cần bàn cãi về tính hiệu quả của nông nghiệp công nghệ cao khi nó ngày càng trở thành động lực chính đưa nông dân trở nên giàu có. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, có lẽ chỉ những nông dân có sẵn tiềm lực về cả vốn liếng lẫn tri thức thì mới có thể tiếp cận và ứng dụng được những giải pháp công nghệ cao cho việc nuôi, trồng của mình.

Song, nhìn rộng ra, bao nhiêu % nông dân có đủ tiềm lực này để sẵn sàng thay đổi? Sự thật là không nhiều nếu xét ở bình diện chung. Nhiều chuyên gia nông nghiệp trăn trở và những trăn trở đó không phải không có lý: công nghệ cao, hoặc chưa hoàn toàn “cao”, chỉ mới mang “hơi hướng công nghệ” cũng được, nhưng khi xác định triển khai thì nên triển khai trên diện rộng, nhắm đến đa số nông dân chưa đủ tiềm lực chứ không phải chỉ nhắm đến con số rất ít những nông dân đã có sẵn tiềm lực. Điều này không chỉ mang tính nhân văn mà còn hiệu quả bởi năng suất dù tăng ít nhưng xét trên diện rộng thì vẫn hiệu quả hơn việc một nhóm nhỏ có năng suất cao vượt trội.

Thực tế, tư duy nông dân nhìn chung vẫn thay đổi khá chậm, do đó với đại đa số nông dân, họ cần những công nghệ vừa tầm (về cả vốn liếng lẫn nhân lực, tri thức) để có thể nhanh chóng áp dụng ngay cho chuồng trại, khu vườn của mình. Trong khi đó, vẫn phải trợ lực cho những mô hình ứng dụng công nghệ đột phá và “bắt kịp” với trào lưu của nông nghiệp thế giới - bởi đó chính là hình mẫu nông nghiệp công nghệ cao thực sự trong tương lai mà nông dân Việt Nam mong muốn. Vừa quan tâm chiều “rộng” để có thể ứng dụng công nghệ cao đại trà, vừa chú ý hỗ trợ về chiều “sâu” công nghệ sẽ đạt được hiệu quả cao hơn, lâu dài hơn là chỉ nghiêng về một phía.

Vi Lâm

Tin xem nhiều