Đồng Nai là một trong 16 địa phương trọng điểm về thu ngân sách của cả nước. Tổng thu ngân sách của 16 địa phương trọng điểm này chiếm 70-80% thu ngân sách cả nước.
Đồng Nai là một trong 16 địa phương trọng điểm về thu ngân sách của cả nước. Tổng thu ngân sách của 16 địa phương trọng điểm này chiếm 70-80% thu ngân sách cả nước.
Khác với những địa phương không nằm trong nhóm trọng điểm được giữ lại phần ngân sách thu hằng năm để chi tiêu và còn được Trung ương bố trí thêm khi không đủ chi, 16 địa phương trọng điểm này phải nộp ngân sách về Trung ương và sẽ được bố trí nguồn chi ngược lại dựa trên cân nhắc về nhu cầu chi hằng năm.
Chính vì vậy, dự toán pháp lệnh từ Trung ương giao cho nhóm 16 địa phương trọng điểm này tăng theo từng năm, dựa trên đánh giá về mức tăng trưởng kinh tế và cả dựa trên nhu cầu chi ngân sách chung của cả nước.
Tuy nhiên, những năm gần đây, không chỉ Đồng Nai mà cả những địa phương được mệnh danh là “gà đẻ trứng vàng” về thu ngân sách như TP.Hồ Chí Minh cũng gặp không ít khó khăn trong việc hoàn thành chỉ tiêu dự toán được giao. Ngay trong năm 2019, TP. Hồ Chí Minh công bố có thể hụt thu đến 15 ngàn tỷ đồng so với dự toán được giao do những khó khăn khách quan lẫn chủ quan.
Không chỉ riêng “đầu tàu” TP.Hồ Chí Minh gặp khó, trong giai đoạn 2016-2019, nhiều địa phương trong “tốp16” cũng có năm thu không đạt dự toán pháp lệnh như: Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu... Mặc dù đã nỗ lực, song những thay đổi bất lợi tùy theo đặc thù từng địa phương đã khiến nhiều địa phương trong nhóm “trọng điểm” vấp phải khó khăn.
Trở lại với Đồng Nai, khoảng 3-4 năm nay, thu ngân sách của tỉnh gặp nhiều thách thức do nhiều nguồn thu giảm sút. Các khoản thu cơ bản của tỉnh như: thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu, thu nội địa đối với doanh nghiệp nhà nước trung ương, từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt thấp so với kế hoạch năm 2019.
Một số loại thuế cũng giảm mạnh do ảnh hưởng của nhiều chính sách miễn, giảm như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng. Tính đến hết tháng
10-2019, một số loại thuế chỉ mới đạt từ 50-60% dự toán.
Nếu tính năm dương lịch 2019 thì chỉ còn hơn 4 tuần nữa là hết năm, và muốn đạt được chỉ tiêu pháp lệnh được giao thì mỗi ngày, Đồng Nai phải thu trên 160 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh đã chủ trì nhiều buổi họp cùng các sở, ngành chuyên môn nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn để tăng thu ngân sách bởi nếu thu không đạt, sẽ ảnh hưởng đến nguồn chi năm 2020 mà Trung ương phân bổ lại.
Về lâu dài, Đồng Nai cần tính toán căn cơ để giữ được các nguồn thu chính yếu, đồng thời phối hợp, kiểm soát tốt để tránh thất thu ngân sách. Những năm gần đây nổi lên một số hoạt động kinh doanh có thể đóng góp tốt cho nguồn thu ngân sách như: hoạt động chuyển nhượng các dự án, chuyển nhượng vốn, mua bán doanh nghiệp... và do đó, các ngành liên quan cần chú ý đến các khoản thu này.
Ngoài ra, kiểm soát tốt hơn các lĩnh vực dễ thất thu để thêm nguồn cho ngân sách cũng là giải pháp mà lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh. Trong đó có các nội dung như: chống chuyển giá, thu từ chuyển nhượng bất động sản vãng lai, kê khai thuế các nhà thầu đối với xuất khẩu tại chỗ, mua máy móc thiết bị nhưng kê khai thấp hoặc không kê khai thuế... để lâu dài, Đồng Nai không hụt nguồn thu và có nguồn để chi cho việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Vi Lâm