Sau một thời kỳ dài làm mọi cách để phát triển sản xuất, cố gắng duy trì mức tăng trưởng kinh tế lên đến trên 10%/năm, Trung Quốc hiện đang phải trả cái giá rất lớn cho việc phục hồi lại môi trường sống cho người dân khi 80% các thành phố của quốc gia này bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt vào hàng ô nhiễm nặng.
Mỗi khi cần một dẫn chứng thuyết phục về cái giá phải trả cho việc đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, người ta lại nói về Trung Quốc. Sau một thời kỳ dài làm mọi cách để phát triển sản xuất, cố gắng duy trì mức tăng trưởng kinh tế lên đến trên 10%/năm, Trung Quốc hiện đang phải trả cái giá rất lớn cho việc phục hồi lại môi trường sống cho người dân khi 80% các thành phố của quốc gia này bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt vào hàng ô nhiễm nặng.
Chưa có số liệu thống kê chính thức cho thấy cái giá mà Trung Quốc phải trả sau những thập kỷ đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để đạt chỉ tiêu giảm 25% ô nhiễm bụi mịn trong không khí, Bắc Kinh đã phải chi đến 120 tỷ USD. Hiện tại, ô nhiễm không khí ở thủ đô Bắc Kinh đã giảm nhưng vẫn cao gấp 4 lần so với khuyến nghị của WHO (nguồn:VnEconomy).
Bài học của Trung Quốc được coi là bài học chung cho những quốc gia đang trong giai đoạn phát triển kinh tế nhanh, mạnh thông qua sản xuất công nghiệp, trong đó có Việt Nam. Không để xảy ra những sự cố lớn đến mức phải gọi là “thảm họa môi trường”, song tình trạng ô nhiễm tại một số địa phương trong cả nước cũng đang ở mức báo động, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước và không khí do ảnh hưởng từ hoạt động sản xuất.
Đồng Nai đã có hàng chục năm dẫn đầu cả nước về tốc độ lẫn quy mô phát triển công nghiệp, và từ cách đây 5 năm, tỉnh đã rất rõ ràng trong quan điểm “không đánh đổi môi trường vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế”.
Bằng Quyết định 2163 ra đời năm 2014 về danh mục dự án thuộc ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai tiếp tục dẫn đầu về xu hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, chính thức chấm dứt một thời kỳ dài thu hút đầu tư dễ dãi, cào bằng. Từ sau khi có Quyết định 2163, các dự án có nguy cơ ô nhiễm cao như: công nghiệp hỗ trợ có công đoạn xi mạ, phun phủ, đánh bóng kim loại, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… không còn được cấp phép đầu tư tại Đồng Nai nữa. Thay vào đó, các dự án có công nghệ “xanh”, sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động, công nghệ cao… được ưu tiên cấp phép.
Thành thật mà nói, bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy thu hút dự án đầu tư của Đồng Nai trên thực tế cũng làm hạn chế một chút về “thành tích thu hút vốn FDI” của tỉnh so với trước, song lại được đánh giá là hướng đi khôn ngoan, căn cơ, lâu dài. Bởi, nếu không thay đổi, không thực hiện chọn lọc đầu tư ngay từ bây giờ, tương lai sẽ phải trả một cái giá rất lớn, thậm chí không có giá nào trả nổi khi môi trường đã bị hủy hoại bởi cả một quá trình dài bị “bỏ rơi”.
Vi Lâm