Trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lượng vốn đăng ký phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Còn khi đánh giá hiệu quả của thu hút FDI, cũng như đánh giá những tác động của dòng vốn FDI đối với nền kinh tế thì thường phải căn cứ vào số vốn giải ngân.
Trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lượng vốn đăng ký phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Còn khi đánh giá hiệu quả của thu hút FDI, cũng như đánh giá những tác động của dòng vốn FDI đối với nền kinh tế thì thường phải căn cứ vào số vốn giải ngân.
Chính vì vậy, tìm cách thu hút các dự án FDI để làm tăng số lượng vốn đăng ký vào Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng mặc dù rất quan trọng, song xét đến cùng, tỷ lệ giải ngân vốn (phản ánh chất lượng thực sự của dòng vốn) FDI được bao nhiêu mới là điều quan trọng. Nó thể hiện thực chất môi trường đầu tư, chất lượng của nền kinh tế, khả năng thẩm định dự án đầu tư… của một địa phương, một quốc gia và là cơ sở để hoạch định những chính sách quan trọng về phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Hơn thế nữa, giải ngân vốn FDI cao chứng tỏ những dự án FDI đăng ký là “có thật”, được triển khai trên thực tế, tạo được công ăn việc làm và đóng góp được vào ngân sách địa phương.
Điều đáng mừng là những năm gần đây, cùng với xu hướng thẩm định kỹ càng và chọn lọc dự án đầu tư theo định hướng ưu tiên rõ ràng, tỷ lệ giải ngân vốn FDI của Đồng Nai đã tăng đột biến và vượt khá xa so với tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Chẳng hạn, tính trong 10 tháng của năm 2019, vốn FDI đăng ký vào Đồng Nai đạt khoảng 1,4 tỷ USD nhưng vốn giải ngân đã chạm ngưỡng 1 tỷ USD, tương đương 70% vốn đăng ký. Tỷ lệ này của cả nước chỉ đạt hơn 50%.
Định hướng của Chính phủ là trong những năm sắp tới, FDI vẫn là nguồn vốn bổ sung hết sức quan trọng cho đầu tư phát triển của Việt Nam, góp phần làm thay đổi bộ mặt nền kinh tế, tạo ra tăng trưởng, việc làm, thu nhập, tăng kim ngạch xuất khẩu… và hàng loạt các tác động khác, trực tiếp lẫn gián tiếp. Tuy nhiên, những tác động tích cực đó chỉ được hiện thực hóa khi dòng tiền thực sự của các dự án đầu tư nước ngoài đã chảy vào Việt Nam được giải ngân và thực hiện, thể hiện qua lượng vốn giải ngân.
Do đó, thời gian tới, Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng, trong đó có Đồng Nai, vẫn cần gia tăng giải pháp để thúc đẩy giải ngân số vốn FDI đã cam kết. Bộ Chính trị vừa ra nghị quyết riêng về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Theo đó, vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 phải đạt từ 30-40 tỷ USD/năm, giai đoạn 2026-2030 từ 40-50 tỷ USD/năm. Vốn giải ngân giai đoạn 2021-2025 đạt 20-30 tỷ USD/năm, giai đoạn 2026-2030 từ 30-40 tỷ USD/năm. Con số này tương đương với tỷ lệ vốn giải ngân phải đạt từ 66-80% lượng vốn đăng ký (hiện tại chỉ đạt trên dưới 50%).
Nếu so mục tiêu nghị quyết này với thực tế giải ngân vốn FDI của Đồng Nai thì không quá khó, song dù thế nào, tỷ lệ giải ngân vốn FDI càng đạt cao càng chứng tỏ môi trường đầu tư và môi trường sản xuất kinh doanh của Đồng Nai được đánh giá cao về thực chất và là tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Vi Lâm