Giá thành sản xuất 1kg gà thịt bình quân hiện nay vào khoảng 20-22 ngàn đồng, trong khi giá gà xuất bán tại trại chỉ khoảng 13-14 ngàn đồng/kg, nghĩa là người nuôi gà đang lỗ nặng.
Giá thành sản xuất 1kg gà thịt bình quân hiện nay vào khoảng 20-22 ngàn đồng, trong khi giá gà xuất bán tại trại chỉ khoảng 13-14 ngàn đồng/kg, nghĩa là người nuôi gà đang lỗ nặng. Thua lỗ chủ yếu do nguồn cung gà hiện đang dư thừa do người nuôi tăng đàn chóng vánh. Cụ thể, tổng đàn gà của Đồng Nai tăng lên mức đỉnh điểm gần 28 triệu con vào tháng 6-2019, tăng gần 7 triệu con so với hồi đầu năm.
Vì sao người nuôi hăm hở tăng đàn gà? Nguyên nhân chính có lẽ nằm ở tư duy tăng đàn gà để “bù” vào sự thiếu hụt nguồn cung heo thịt do heo giảm đàn mạnh từ ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi. Một nguyên nhân khác khiến chăn nuôi gà tăng nhanh, theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ là do năm 2018 người nuôi gà đạt lợi nhuận tốt nhờ giá gà ổn định ở mức khá cao. Vì vậy, nhiều trang trại đổ vốn mở rộng quy mô và không ít nhà đầu tư làm thêm trại mới. Tình hình này không chỉ diễn ra ở khu vực Đông Nam bộ mà các tỉnh miền Tây Nam bộ, miền Bắc cũng tăng đàn rất mạnh. Ngành chăn nuôi hiện nay lại đang chịu áp lực rất lớn từ thịt nhập giá rẻ do tác động từ các hiệp định thương mại tự do.
Về làm việc tại Đồng Nai vào cuối tháng 8-2019, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề cập đến vấn đề ổn định thị trường chăn nuôi cuối năm khi dịch tả heo châu Phi đang ảnh hưởng lớn đến tổng đàn heo của cả nước.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã đưa ra định hướng về việc tập trung phát triển đàn gia cầm, nuôi trồng thủy sản để bù vào lượng heo thiếu hụt trong giai đoạn tới. Cụ thể, chỉ đạo chung cho cả nước của Bộ là tăng trưởng đàn gia cầm lên 13% so với trước, hiện mức tăng này đã đạt khoảng 8% và mức tăng của Đồng Nai đã đạt trên 16%.
Thời gian tới, Bộ cũng sẽ cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng cân đối lại cho phù hợp hơn, không để thịt heo chiếm tỉ trọng quá lớn như hiện nay. Tuy nhiên, việc tính toán mức tăng đàn gia cầm ra sao, vào thời điểm nào lại do từng địa phương và nhất là doanh nghiệp và người chăn nuôi tự chọn lựa.
Người chăn nuôi muốn tránh khỏi vòng luẩn quẩn tồn hàng, rớt giá thì chỉ còn giải pháp phải tham gia vào những chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ mà quan trọng nhất vẫn là khâu tiêu thụ, phải trả lời được câu hỏi “bán cho ai?”. Nếu vẫn chạy theo phong trào ồ ạt tăng đàn mà đầu ra vẫn phụ thuộc vào thương lái theo kiểu “được chăng hay chớ” thì người nuôi cầm chắc thua lỗ trong tay.
Vi Lâm