Nói đến nông nghiệp là nói đến nông thôn và ngược lại. Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của đô thị đã kéo theo sự hình thành loại hình nông nghiệp mới - nông nghiệp đô thị.
Nói đến nông nghiệp là nói đến nông thôn và ngược lại. Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của đô thị đã kéo theo sự hình thành loại hình nông nghiệp mới - nông nghiệp đô thị. Khái niệm nông nghiệp đô thị được đề cập khoảng 20 năm trở lại đây ở các nước phát triển, cùng với chủ đề phát triển bền vững. Nông nghiệp đô thị được hiểu là nông nghiệp không sử dụng nhiều đất đai, ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất để làm nên những loại nông sản có giá trị cao mà không gây ô nhiễm môi trường. Do đó, nó đòi hỏi hàm lượng tri thức khá cao.
Tại hội thảo đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 4.0 diễn ra vào tháng 7-2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp hiện nay chính là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, xu hướng đô thị hóa đang phát triển rất nhanh, cùng với đó là thu nhập của người dân cũng tăng lên nên yêu cầu tiêu chuẩn sống ngày một cao.
Xuất phát từ thực tiễn đó, sản xuất nông nghiệp ngày nay đòi hỏi phải vừa tiết kiệm tài nguyên đất, nước vừa phải đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong tình hình mới, đất đai rộng lớn không phải là yếu tố quyết định mà phải là khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng trên mỗi diện tích. Ở đây đòi hỏi đội ngũ lao động có trình độ tay nghề cao, thành thạo việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… Đào tạo nguồn nhân lực đủ sức bắt kịp với tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật cũng đang là nhu cầu cấp bách hiện nay.
Đây cũng là một trong những nội dung mà đề án phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam tỉnh Đồng Nai đặc biệt chú trọng. Vì thực tế hiện nay, lao động nông nghiệp phần lớn là người cao tuổi, sản xuất cá thể và dựa vào kinh nghiệm là chính; việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến chưa nhiều dẫn đến năng suất sản xuất thấp, không đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất có hàm lượng công nghệ cao.
Mục tiêu đề ra trong đề án là nông dân có thể làm chủ nông nghiệp 4.0 hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, đáp ứng xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao tinh thần khởi nghiệp cho nông dân.
Tóm lại, thời đại mới đòi hỏi cách làm nông nghiệp mới mẻ, không phụ thuộc “ông trời” như trước mà phải phát triển một nền nông nghiệp có hàm lượng tri thức cao, ứng dụng công nghệ một cách phổ biến, sản xuất ra sản phẩm sạch mà không gây hại cho môi trường nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương nói riêng và cả quốc gia nói chung.
Vi Lâm