Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần có cơ chế riêng

08:09, 29/09/2019

Câu hỏi làm sao để khơi thông những "điểm nghẽn" tạo thêm thuận lợi cho sự phát triển vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam một lần nữa được các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các địa phương trong vùng và đại diện Chính phủ đặt ra trong Diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp (DN) trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" vừa được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh ngày 27-9 vừa qua.

Câu hỏi làm sao để khơi thông những “điểm nghẽn” tạo thêm thuận lợi cho sự phát triển vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam một lần nữa được các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các địa phương trong vùng và đại diện Chính phủ đặt ra trong Diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp (DN) trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" vừa được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh ngày 27-9 vừa qua.

Trong số các ý kiến, “nóng hổi” nhất và bao quát nhất vẫn là ý kiến của TS. Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm phải có cơ chế đặc thù riêng cho vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam dựa trên “tư duy cấp vùng” chứ không phải “tư duy cấp tỉnh” như bao lâu nay.

Một thực tế là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được vinh danh rất nhiều về vai trò dẫn dắt kinh tế cả nước với những cụm từ như “đầu tàu”, “động lực phát triển”… và từng được Thủ tướng Chính phủ “đặt hàng” riêng với mong muốn toàn vùng sẽ có sự phát triển vượt trội tương xứng với quy mô về dân số, sự đóng góp vào GDP, thu ngân sách lớn, số lượng doanh nghiệp nhiều, tính năng động cao… Song, những năm gần đây, tăng trưởng của toàn vùng đang chậm lại, thậm chí một số chỉ tiêu lớn đã chậm hơn so với một số vùng kinh tế khác trong cả nước.

Thực tế, tiềm lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện tại vẫn được đánh giá là lớn nhất nước, song rõ ràng, việc thiếu tư duy tổng thể trong quy hoạch và phát triển vùng đã gây nên nhiều hệ quả, trong đó có tình trạng phát triển manh mún, địa phương nào biết địa phương đó mà chưa tạo được sức bật chung.

Đề xuất có một cơ chế riêng đặc thù, cụ thể cho vùng kinh tế năng động này đã có từ lâu và Hội đồng vùng có thành lập, nhưng đến nay, hội đồng này mới dừng ở vai trò là cầu nối Trung ương với địa phương mà chưa có cơ chế nào để liên kết phát triển vùng. Nhiều chuyên gia kiến nghị, cần có vị thế pháp lý và trao thực quyền cho Hội đồng vùng. Hội đồng vùng phải hoạt động theo cơ chế không kiêm nhiệm và phải có ngân sách. Nguồn ngân sách có thể được tạo ra từ các dự án trong vùng và các địa phương trong vùng phải có nghĩa vụ đóng góp cho hoạt động của hội đồng này.

Đã qua rồi thời mà các địa phương cạnh tranh lẫn nhau để phát triển, hiện tại, bất kể một dự án hay kế hoạch phát triển nào cũng sẽ cần đến một quy mô rộng lớn để tồn tại, ít nhất là quy mô cấp vùng. Do đó, hơn lúc nào hết, các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần đến cơ chế, chính sách, cách làm, hướng liên kết rất cụ thể và khả thi để cùng đưa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thực sự trở thành vùng có vai trò dẫn dắt, dựa trên tư duy tổng thể cấp vùng chứ không phải tư duy manh mún địa phương.

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều