Đá xây dựng khai thác từ các mỏ đá tại Đồng Nai từ lâu đã nổi tiếng về chất lượng, có thể sử dụng được cho các công trình trọng điểm như: sân bay, đường cao tốc, dùng trong sản xuất bê tông chất lượng cao…
Đá xây dựng khai thác từ các mỏ đá tại Đồng Nai từ lâu đã nổi tiếng về chất lượng, có thể sử dụng được cho các công trình trọng điểm như: sân bay, đường cao tốc, dùng trong sản xuất bê tông chất lượng cao… Do đó, khách quan mà nói, hoạt động khai thác đá tại Đồng Nai thời gian qua đã và đang góp phần vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng Đồng Nai mà còn cho các tỉnh phía Nam.
Theo kết quả điều tra địa chất khoáng sản của Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam thì Đồng Nai là nơi tập trung nhiều loại khoáng sản quý, bao gồm cả khoáng sản kim loại và phi kim loại. Trong đó đá xây dựng giữ vai trò chủ đạo, không những đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng trong tỉnh mà còn cung cấp cho các khu vực lân cận như: TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ (nguồn: Bộ Tài nguyên - môi trường).
Chính vì vậy, cấp phép khai thác các mỏ đá xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển là việc nên làm, cần làm. Cho đến nay, tỉnh đã cấp phép cho 32 mỏ đá tiến hành khai thác với tổng diện tích hơn 1.100 hécta. Tổng trữ lượng các mỏ đang hoạt động vào khoảng 381 triệu m3, công suất khai thác hằng năm đạt hơn 22 triệu m3.
Trên thực tế, tất cả các mỏ đá được cấp phép đã chấp hành đủ các thủ tục về đất đai, có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định. Tuy nhiên, do trữ lượng đá phân bố theo từng vùng rộng lớn nên khi các mỏ riêng lẻ tập trung về cùng một khu thì rõ ràng, tác động đến môi trường xung quanh phải được đánh giá trên phạm vi tổng thể chứ không chỉ dựa vào từng mỏ riêng biệt.
Nhìn nhận về vấn đề này, lãnh đạo tỉnh lẫn lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường đều cho rằng cần nhanh chóng thực hiện đánh giá tác động môi trường cho các cụm mỏ đá một cách tổng thể, nhằm đo lường, tính toán hết những tác động cộng hưởng đến môi trường xung quanh khi cả chục mỏ đá cùng hoạt động một lúc trong khoảng thời gian dài. Trước mắt, do thiếu những quy định cụ thể, tỉnh sẽ kiến nghị Bộ Tài nguyên - môi trường để nhờ hướng dẫn. Đây là việc làm tương đối cấp bách của Đồng Nai trong bối cảnh công tác bảo vệ môi trường đang là vấn đề khá “nóng”.
Dựa trên các đánh giá tổng thể đó, Đồng Nai sẽ định hướng quy hoạch khoáng sản, đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường tổng thể cho toàn khu vực xung quanh các cụm mỏ, đảm bảo khai thác hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên đá xây dựng kết hợp bảo vệ môi trường và để lại một nguồn tài nguyên khoáng sản cho thế hệ mai sau.
Vi Lâm