"Quá tải" đang trở thành cụm từ được sử dụng khá phổ biến, đặc biệt ở thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh và mạnh như Biên Hòa. Quá tải hạ tầng giao thông, quá tải trường lớp, quá tải bệnh viện, quá tải hệ thống thoát nước đô thị, quá tải xử lý rác sinh hoạt...
“Quá tải” đang trở thành cụm từ được sử dụng khá phổ biến, đặc biệt ở thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh và mạnh như Biên Hòa. Quá tải hạ tầng giao thông, quá tải trường lớp, quá tải bệnh viện, quá tải hệ thống thoát nước đô thị, quá tải xử lý rác sinh hoạt...
Thực tế, hệ thống hạ tầng ở TP.Biên Hòa trở nên quá tải là chuyện không có gì… lạ. Bởi, Biên Hòa hiện là một trong những thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước, hiện đã chạm ngưỡng 1,1 triệu người và đã tương đương với 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Đà Nẵng và Cần Thơ, cao hơn cả dân số của 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, Biên Hòa cũng là thành phố trực thuộc tỉnh có nhiều phường, xã nhất với 29 phường và 1 xã.
Sự quá tải dễ thấy nhất là về hạ tầng giao thông, thực tế cũng có phần xuất phát từ nguyên nhân lịch sử. TP.Biên Hòa là một trong những đô thị hình thành và phát triển sớm nhất của miền Nam. Thành phố được quy hoạch từ thời Pháp thuộc với những tính toán về hạ tầng và đường giao thông đủ phục vụ cho quy mô dân số khoảng 200-300 ngàn người, nhưng hiện nay dân số Biên Hòa đã tăng gần gấp 4 lần con số đó, trong khi hạ tầng giao thông lại phát triển không tương xứng.
Bằng nhiều nỗ lực, trong nhiều năm qua, TP.Biên Hòa đã có những dự án lớn góp phần giải tỏa tình trạng quá tải giao thông như: cầu Hóa An mới, cầu Bửu Hòa, cầu Hiệp Hòa, quốc lộ 1 tuyến tránh TP.Biên Hòa (Võ Nguyên Giáp), cầu Đồng Nai mới, cầu An Hảo… Và sắp tới, nhiều dự án giao thông quan trọng tầm cỡ quốc gia và các dự án trọng điểm của địa phương cũng sẽ được triển khai, phần nào giải quyết bớt tình trạng quá tải này cho thành phố.
Ngoài giao thông được xem là lĩnh vực “nóng”, TP.Biên Hòa còn phải giải quyết nhiều lĩnh vực khác cần đến tầm nhìn xa hơn, bởi đi kèm các dự án giao thông lớn là tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cũng sẽ ngày một nhanh hơn.
Do đó, giải quyết các cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm phát triển lành mạnh thị trường nhà ở, hệ thống dịch vụ y tế, giáo dục… cũng là những vấn đề người dân thành phố hết sức quan tâm. Bởi, để hình thành một đô thị “khỏe mạnh” và có bản sắc phải cần đến nhiều sự tính toán, cân nhắc các nguồn lực để phân bổ cho nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống, chứ không chỉ hạ tầng giao thông, thoát nước hay nhà ở.
Chính vì vậy, áp lực đặt ra càng lớn hơn, bởi sự khó khăn về nguồn vốn đang là lực cản lớn của rất nhiều địa phương chứ không riêng gì TP.Biên Hòa. Cả lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo thành phố hiện đang tìm nhiều hướng giải quyết khả thi hơn nhằm huy động mọi nguồn lực nhằm xây dựng thành phố trở thành một đô thị hiện đại, thông minh, đáng sống trong tương lai gần.
Vi Lâm