Với trên 2 triệu con heo, Đồng Nai là một trong những địa phương có số lượng heo lớn nhất và cũng chính vì vậy, khi dịch tả heo châu Phi (ASF) thực sự "tràn" vào trên quy mô toàn tỉnh, cả người nuôi heo lẫn chính quyền đều điêu đứng.
Với trên 2 triệu con heo, Đồng Nai là một trong những địa phương có số lượng heo lớn nhất và cũng chính vì vậy, khi dịch tả heo châu Phi (ASF) thực sự “tràn” vào trên quy mô toàn tỉnh, cả người nuôi heo lẫn chính quyền đều điêu đứng.
Ngày 27-6-2019, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 793/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch ASF. Trong đó, mức hỗ trợ được quy định cụ thể: đối với người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, cơ sở chăn nuôi và các doanh nghiệp có heo buộc phải tiêu hủy do dịch sẽ được hỗ trợ mức 8-25 ngàn đồng/kg heo hơi là heo con, heo thịt và 10-30 ngàn đồng/kg heo hơi là heo nái, heo đực đang khai thác.
Ở mức hỗ trợ này, chắc chắn người chăn nuôi và doanh nghiệp sẽ thua lỗ lớn, song kể cả như thế thì tổng số tiền cần chi hỗ trợ cũng vượt quá khả năng ngân sách dự phòng. Tính đến cuối tháng 7-2019, theo báo cáo của các địa phương, toàn tỉnh cần trên 437 tỷ đồng để hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại và chi cho công tác xử lý dịch ASF. Trong khi đó, dự phòng ngân sách của các địa phương chỉ có khoảng 130 tỷ đồng nên các địa phương đều kiến nghị được tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí.
Thực tế, nguồn ngân sách dự phòng của các huyện và cả của tỉnh không chỉ “để dành” chi cho dịch ASF mà còn phải chi cho nhiều nội dung khác về thiên tai, dịch bệnh; chẳng hạn sẽ phải chi cho những thiệt hại về cây trồng và vật nuôi trong đợt lũ lụt vừa qua tại hai huyện Tân Phú và Định Quán.
Đồng Nai đang kiến nghị Chính phủ xin cấp bổ sung ngân sách hỗ trợ dịch bệnh, song có được duyệt hay không và duyệt bao nhiêu, có đủ trang trải hay không thì… chưa biết, bởi Chính phủ cũng phải cân nhắc nguồn tiền cho nhiều địa phương khác nhau, bởi thực tế nơi nào cũng đang kêu thiếu.
Với một ngành quan trọng như chăn nuôi heo, sự “đổ vỡ” hàng loạt các trại nuôi quy mô lớn do dịch ASF là điều rất đáng lo lắng, bởi nó ảnh hưởng sâu sắc đến thương hiệu heo Đồng Nai và đến công ăn việc làm, nợ nần, vốn liếng… của hàng ngàn nông dân, doanh nghiệp. Nếu điều này xảy ra, có lẽ không ai có thể đứng ngoài cuộc và chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng, dù nhỏ hay lớn.
Vậy nên điều cần thiết bây giờ vẫn là một thái độ rất nghiêm túc của từng người về phòng, chống dịch ASF như: tuyệt đối không bỏ xác heo bệnh ra môi trường, chủ động phòng dịch từ bên ngoài và từ trong trại nuôi. Với người tiêu dùng, rất cần sự chia sẻ bằng cách không tẩy chay thịt heo, chỉ cần chọn lựa đúng nơi mua thịt uy tín và minh bạch. Có như vậy, ngành chăn nuôi heo Đồng Nai mới từng bước vượt qua được khó khăn và giữ vững vị thế của mình trên thị trường.
Vi Lâm