Cuối tháng 7 vừa qua, một học sinh chuẩn bị bước vào lớp 6 của Trường Marie Curie Hà Nội đã gửi cho thầy Hiệu trưởng bức thư đề xuất không thả hoặc hạn chế thả bóng bay vào ngày khai giảng năm học mới khiến nhiều người bất ngờ, xúc động.
Cuối tháng 7 vừa qua, một học sinh chuẩn bị bước vào lớp 6 của Trường Marie Curie Hà Nội đã gửi cho thầy Hiệu trưởng bức thư đề xuất không thả hoặc hạn chế thả bóng bay vào ngày khai giảng năm học mới khiến nhiều người bất ngờ, xúc động. Bởi theo học sinh này, bóng bay làm bằng cao su khi thả bóng lên trời, chim và các loài động vật khác có thể nuốt vào, chặn đường ruột đến chết đói.
Từ đề xuất này, nhiều trường học (trong đó có Đồng Nai) vào ngày khai giảng năm học mới 2019-2020 sẽ không thả bóng bay lên bầu trời để hạn chế ô nhiễm, góp phần làm cho môi trường xanh - sạch - đẹp hơn. Tương tự, những thay đổi nhỏ như không sử dụng ống hút nhựa, chai nhựa đựng nước trong hội họp đã và đang được nhiều đơn vị thực hiện nhằm từng bước giảm thiểu chất thải nhựa. Một số siêu thị cũng đã bắt đầu đưa bao giấy, lá chuối vào đựng đồ thực phẩm thay thế cho bao ny-lông vẫn quen dùng bấy lâu nay.
Trong lĩnh vực y tế, một lĩnh vực mà mỗi năm phát sinh khoảng 21,3 ngàn tấn chất thải y tế nguy hại và hơn 116 ngàn tấn chất thải sinh hoạt khác, hiện đang đứng trước khá nhiều thách thức trong việc thay đổi thói quen sử dụng chất thải nhựa. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, toàn ngành có 13 ngàn cơ sở y tế, điều trị cho khoảng hơn 150 triệu lượt người và khoảng 300 triệu lượt người khám, điều trị ngoại trú. Bên cạnh đó, mỗi bệnh nhân sẽ có thêm 1-2 người nhà đi cùng chăm sóc nên lượng rác thải ra mỗi ngày là rất lớn. Đấy là chưa kể lượng chất thải y tế nguy hại chứa yếu tố lây nhiễm hoặc có đặc tính nguy hại khác thải ra mỗi ngày.
Người đứng đầu ngành Y tế cũng cho rằng việc hạn chế chất thải nhựa trong ngành có tác động rất lớn. Vì vậy, Bộ yêu cầu các cơ sở y tế phải xây dựng kế hoạch, mục tiêu, lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế, sinh hoạt hằng ngày của người bệnh, người nhà, nhân viên y tế.
Các đơn vị y tế cũng cần phân loại triệt để chất thải nhựa, ny-lông khó phân hủy để thu gom, tái chế; phấn đấu tiến đến chấm dứt việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần có thể thay thế và ny-lông khó phân hủy... Chỉ trừ những sản phẩm không thể thay thế được bắt buộc phải tuân thủ theo quy chuẩn, còn lại đều phải giảm thiểu chất thải nhựa.
Tại Đồng Nai, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, các cơ sở y tế đang triển khai có lộ trình cam kết giảm thiểu chất thải nhựa góp phần bảo vệ môi trường. Theo đó, những việc có thể làm ngay như: tuyên truyền phân loại rác tại nguồn; khuyến khích các cơ sở y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sử dụng sản phẩm thay thế túi ny-lông, chai nhựa, hộp xốp… đang được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, trong việc lựa chọn nhà thầu thuốc và vật tư y tế, ngành sẽ ưu tiên những nhà thầu chú trọng tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa để xét chọn.
Để thay đổi thói quen hình thành từ lâu không dễ, nhưng nếu bắt đầu từ những việc nhỏ ắt hẳn sẽ “góp gió thành bão”…
Minh Ngọc