Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháo gỡ rào cản công nghệ cao

08:07, 28/07/2019

Con số 2 doanh nghiệp (trên tổng số gần 2 ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư trong và ngoài nước đang hoạt động sản xuất - kinh doanh tại các khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai) được Bộ Khoa học - công nghệ chính thức công nhận là Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đánh giá là quá ít ỏi so với thực tế, chỉ chiếm tỷ lệ 0,1%.

Con số 2 doanh nghiệp (trên tổng số gần 2 ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư trong và ngoài nước đang hoạt động sản xuất - kinh doanh tại các khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai) được Bộ Khoa học - công nghệ chính thức công nhận là Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đánh giá là quá ít ỏi so với thực tế, chỉ chiếm tỷ lệ 0,1%.


Theo các cơ quan chức năng, thực tế số lượng doanh nghiệp Đồng Nai đủ điều kiện để được công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vượt xa con số 2 doanh nghiệp, song vì một số rào cản mà doanh nghiệp không muốn làm hồ sơ chứng nhận.

Mặc dù đã nhiều năm thực hiện chính sách thu hút đầu tư ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, nhưng tỉnh không đưa ra mục tiêu cụ thể về số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (được công nhận chính thức) bởi đó là quyền lợi của mỗi doanh nghiệp, chỉ có thể khuyến khích chứ khó có thể ràng buộc. Nhưng nhìn xa hơn, nếu một địa phương có nhiều dự án ứng dụng công nghệ cao được công nhận sẽ gây tác động tích cực lên việc thu hút đầu tư và về lâu dài có thể làm nên “thương hiệu” của Đồng Nai. Ngoài ra, những tác động tích cực đó sẽ “truyền” sang những lĩnh vực khác và kích thích sự phát triển: đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực công nghệ cao, hệ thống các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ, các dịch vụ hỗ trợ... Chưa kể, một địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao lớn so với tổng số sẽ là nguồn cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khi họ đang trong giai đoạn lựa chọn nơi đầu tư dự án.

Tuy nhiên, soi chiếu vào nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp “thừa sức” được chứng nhận ứng dụng công nghệ cao nhưng không làm hồ sơ để được công nhận chính thức mới thấy thủ tục rườm rà là một rào cản rất lớn, bởi doanh nghiệp sẽ không có nhiều thời gian, nhân sự để đeo đuổi các loại hồ sơ, giấy tờ suốt một thời gian dài để được chứng nhận. Chưa kể, khi đã đạt được chứng nhận ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp sẽ “được gì” cũng là một vấn đề cần xem xét.

Theo Luật Công nghệ cao, doanh nghiệp được công nhận sẽ hưởng ưu đãi về đất đai, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, được xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo, nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm từ kinh phí của chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao... Song tất cả những hỗ trợ này có vẻ cũng chưa đủ hấp dẫn, chưa đủ để doanh nghiệp vượt qua những rào cản về hồ sơ, thủ tục. Chính vì vậy, nhanh chóng tháo gỡ những rào cản này là một việc bức thiết nên làm sớm, làm hiệu quả để nhanh chóng “khơi thông” dòng chảy công nghệ, tạo thêm động lực thu hút những dự án có hàm lượng công nghệ cao vào Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung.               

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều