Theo Cục Bảo vệ thực vật, khảm lá mì là một trong những dịch hại nguy hiểm đối với cây mì trên thế giới. Theo đó, ngay từ khi dịch này xuất hiện, gây hại tại Campuchia vào năm 2015, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã có công văn chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là tỉnh Tây Ninh giáp biên giới với Campuchia thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm dịch nhằm ngăn chặn giống mì nhiễm bệnh thâm nhập vào Việt Nam.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, khảm lá mì là một trong những dịch hại nguy hiểm đối với cây mì trên thế giới. Theo đó, ngay từ khi dịch này xuất hiện, gây hại tại Campuchia vào năm 2015, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã có công văn chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là tỉnh Tây Ninh giáp biên giới với Campuchia thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm dịch nhằm ngăn chặn giống mì nhiễm bệnh thâm nhập vào Việt Nam.
Tác hại thấy rõ của dịch khảm lá mì khi xâm nhập vào Việt Nam là dịch này lây lan rất nhanh, gây hại nghiêm trọng đến các vùng trồng mì lớn. Cụ thể, vào tháng 5-2017, dịch khảm lá mì xâm nhập vào tỉnh Tây Ninh và chỉ sau một thời gian ngắn, gần 100% hécta (trên 40 ngàn hécta) mì của tỉnh này đều bị nhiễm bệnh. Bệnh khảm lá tiếp tục lan rộng ra nhiều tỉnh, thành có diện tích trồng mì lớn như: Bình Dương (có trên 1,9 ngàn hécta mì bị khảm lá), Bà Rịa - Vũng Tàu (gần 1,7 ngàn hécta)…
Riêng Đồng Nai, bệnh khảm lá xuất hiện và gây hại trên cây mì vào tháng 6-2018 với hơn 6 hécta bị nhiễm, nhưng đến tháng 7-2019, toàn tỉnh đã tăng lên trên 496 hécta mì bị nhiễm bệnh. Tuy xuất hiện trễ hơn và diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá thấp hơn nhiều tỉnh, thành khác nhưng diễn biến dịch bệnh trên địa bàn Đồng Nai cũng rất phức tạp với nguy cơ lây lan, gây hại lớn.
Dưới góc nhìn khoa học, ông Nguyễn Hữu Hỷ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) nhận xét cây mì hiện là nguyên liệu của nhiều ngành chế biến tinh bột, thực phẩm, thức ăn gia súc, sản xuất nhiên liệu sinh học…, là cây công nghiệp “tỷ đô” phục vụ nội địa và xuất khẩu, được Việt Nam ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới. Vì vậy, bệnh khảm lá mì đang lan nhanh tại khu vực phía Nam là vấn đề hết sức nghiêm trọng trong sản xuất và phát triển cây mì Việt Nam.
Bên cạnh đó, dịch sâu keo mùa thu trên cây bắp hiện đã xuất hiện tại 10 tỉnh, thành phía Nam với diện tích 591 hécta bắp bị sâu cắn phá. Điều đáng báo động là Đồng Nai đứng đầu khu vực phía Nam về diện tích bắp bị sâu keo mùa thu tấn công với 450,7 hécta nhiễm bệnh.
Tình hình này đòi hỏi từ cơ quan chức năng đến người nông dân của Đồng Nai không thể xem thường mà phải nhận thức rõ ràng hơn về tác hại của dịch bệnh khảm lá mì và sâu keo mùa thu trên cây bắp, qua đó có sự chủ động, đồng bộ trong phòng, chống dịch hiệu quả hơn trong thời gian tới, không để dịch bệnh gây hại nghiêm trọng đến 2 loại cây trồng có diện tích lớn của tỉnh, không để hàng ngàn nông dân mất trắng tiền đầu tư vì chủ quan với dịch bệnh.
Vi Lâm