Báo Đồng Nai điện tử
En

Hậu quả lớn từ thói quen nhỏ

08:07, 07/07/2019

Thật không có gì đáng "tự hào" khi Việt Nam bị liệt vào một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa thải ra môi trường gia tăng vào loại nhanh nhất trong những năm gần đây.

Thật không có gì đáng “tự hào” khi Việt Nam bị liệt vào một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa thải ra môi trường gia tăng vào loại nhanh nhất trong những năm gần đây. Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) trong tháng 6-2019 vừa qua đã công bố Việt Nam thải ra môi trường mỗi năm gần 1,8 triệu tấn rác thải nhựa.

Đáng buồn là chúng ta hầu như chưa có biện pháp gì khả thi để xử lý lượng rác thải tuôn ra môi trường mỗi năm. Chưa kể trong sinh hoạt hằng ngày của người dân, thói quen lạm dụng túi ny-lông, đồ nhựa dùng 1 lần ngày càng trở nên phổ biến và trầm trọng thêm mà chưa có bất kỳ chế tài nào hạn chế.

Với giá bán quá rẻ, chỉ từ 30 ngàn đồng/kg bịch ny-lông loại mỏng với hàng trăm chiếc bịch, có vẻ như chi phí cho bịch ny-lông không phải là gánh nặng của bất kỳ ai, từ chị bán rau đến ông chủ tiệm tạp hóa. Tương tự, chiếc ly nhựa dùng 1 lần tại các điểm kinh doanh đồ uống cũng rẻ không kém, đôi khi chưa đến 1 ngàn đồng/chiếc, chỉ bằng 1/20, thậm chí 1/50 giá bán ly nước. Vậy nên chủ cửa hàng nào cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng dùng ly nhựa, ống hút nhựa, hộp nhựa… vì nó quá tiện lợi trong buôn bán mỗi ngày. Một bà nội trợ mỗi lần đi chợ có thể dùng đến trên 20 chiếc bịch ny-lông lớn nhỏ, chưa kể các loại đồ nhựa dùng một lần khác.

Nhưng chính vì sự dễ dãi trong thói quen sinh hoạt hàng ngày mà hiện nay Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang đối mặt với “vấn nạn” rác thải nhựa. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, một chiếc túi ny-lông mất 10-20 năm mới phân hủy được, một chiếc cốc nhựa xốp có thể mất đến 50 năm, còn chai nhựa đựng hóa chất thậm chí mất hàng trăm năm mới phân hủy hết. Rác thải nhựa tồn dư nhanh chóng làm bẩn đại dương, đe dọa đến hệ cân bằng sinh thái và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Từ vài năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần kêu gọi người dân hạn chế rác thải nhựa, khen ngợi những đơn vị có ý thức chủ động sử dụng các vật liệu thay thế đồ nhựa. “Chúng ta phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như trên tại lễ ra quân quốc gia chống rác thải nhựa trong tháng 6 vừa qua.

Khuyến khích là điều tốt, nhưng có lẽ đã đến lúc Việt Nam cần có những chế tài mạnh hơn nhằm hạn chế rác thải nhựa, chẳng hạn như đánh thuế thật cao với các loại hàng hóa làm phát sinh rác thải nhựa, phạt nặng với các hành vi xả chất thải nhựa ra môi trường… Và ở góc độ “vi mô” thì trước hết, mọi việc phải bắt nguồn từ ý thức người dân. Vì chỉ khi thay đổi từ thói quen nhỏ nhất, môi trường tương lai mới tránh được “thảm họa” nhìn thấy trước.                                 

 

Vi Lâm

Tin xem nhiều