Cách đây hơn 3 năm, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được thông xe là một tin vui với đông đảo người dân ở các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh khi tuyến đường này giúp rút ngắn quãng đường và nhất là thời gian lưu thông qua lại giữa 3 địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cách đây hơn 3 năm, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được thông xe là một tin vui với đông đảo người dân ở các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh khi tuyến đường này giúp rút ngắn quãng đường và nhất là thời gian lưu thông qua lại giữa 3 địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cụ thể, từ TP.Hồ Chí Minh đi huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) chỉ còn khoảng 90 phút, đi Vũng Tàu chỉ còn khoảng 90 phút; ước tính giảm khoảng 20-30% chi phí vận tải.
Chính sự thuận lợi đó, chỉ sau 1 năm đưa vào khai thác đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã phát huy tác dụng khi số lượng xe ô tô tăng lên bình quân từ 40-50 ngàn xe/ngày đêm, thậm chí lúc cao điểm đạt gần 75 ngàn xe/ngày đêm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tuyến đường này đã bước vào giai đoạn quá tải trầm trọng.
Một chuyên gia về giao thông đã chỉ ra 2 nguyên nhân chính khiến tốc độ các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc không khác nào đi trên đường quốc lộ. Thứ nhất là năng lực dự báo chưa sát, đánh giá lưu lượng xe chưa chuẩn, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao hơn thiết kế ban đầu. Thứ hai là do hạ tầng phát triển chậm hơn tốc độ phát triển của phương tiện. Cùng với tốc độ phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa, nhu cầu giao thương giữa TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành lân cận rất lớn kéo theo mật độ phương tiện tăng lên rất nhanh.
Nhiều người cho rằng, với tốc độ lưu thông 60-70 km/giờ như hiện tại là khó chấp nhận đối với loại hình đường cao tốc có vận tốc tối đa lên đến 120km/giờ. Với chi phí bỏ ra để qua trạm thu phí trên đường cao tốc cao hơn nhiều so với những tuyến đường bộ khác và phải chấp hành cách quy định nghiêm ngặt, người dân cần một chất lượng phục vụ tốt hơn, tình hình giao thông đảm bảo, thông suốt hơn.
Để đường cao tốc không trở thành “thấp tốc”, rất cần các ngành chức năng, đơn vị quản lý tuyến đường đưa ra các phương án kịp thời và hợp lý hơn nữa, nhất là có cảnh báo sớm để các tài xế chủ động chọn lộ trình cho phù hợp nhằm giảm kẹt xe trầm trọng thường xảy ra trên con đường này.
Về lâu về dài, việc mở rộng đưa vào xây dựng giai đoạn 2 đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là cần thiết, nhất là khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được khởi động thì tuyến đường cao tốc này sẽ trở thành trục giao thông “xương sống” vô cùng quan trọng nối cảng hàng không này với TP.Hồ Chí Minh, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh).
Tại hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa được tổ chức vào tháng 5 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, một số tuyến đường cao tốc cần được đầu tư xong trước năm 2025 như: mở rộng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; hoàn thành đầu tư tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... Nếu các dự án này hoàn thành theo đúng kế hoạch nêu trên sẽ tạo thuận lợi hơn trong việc liên kết vùng, góp phần quan trọng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục “cất cánh”.
Thanh Hải