Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần sự chủ động hơn nữa

09:07, 08/07/2019

Ít ai nghĩ rằng đến thời điểm này, nhiều học sinh ở một đô thị loại 1 như TP.Biên Hòa học trường này nhưng lại phải đi học nhờ phòng học của trường khác, thậm chí phải học ca 3 bất cứ lúc nào vì trường thiếu lớp học.

Ít ai nghĩ rằng đến thời điểm này, nhiều học sinh ở một đô thị loại 1 như TP.Biên Hòa học trường này nhưng lại phải đi học nhờ phòng học của trường khác, thậm chí phải học ca 3 bất cứ lúc nào vì trường thiếu lớp học. Ngay ở trung tâm thành phố, có phường chưa xây được trường mầm non công lập khiến phụ huynh phải chạy vạy gửi con sang phường khác học.

Thiếu trường lớp, quá tải học sinh từ lâu đã trở thành bài toán nan giải ở TP.Biên Hòa. Không phải là thành phố không quan tâm, lại càng không phải tỉnh thiếu chính sách ưu đãi dành cho giáo dục nhưng với một địa phương có dân số cơ học tăng cao như Biên Hòa, cứ xây trường này xong chưa kịp giải quyết hết chỗ học cho học sinh, năm học sau lại thiếu vì lượng học sinh lại gia tăng mới.

Hậu quả của việc thiếu trường, thiếu lớp học thì đã rất rõ. Ở TP.Biên Hòa có trường sau bao năm phấn đấu để đạt danh hiệu chuẩn quốc gia đã phải “phá” chuẩn để đón nhận học sinh vào học. Ở một địa phương khác như huyện Trảng Bom, vì trường công lập thiếu chỗ học, có trường tư thục đã tranh thủ tuyển sinh ồ ạt, dẫn đến sĩ số học sinh/lớp quá tải, trường phải tận dụng hết phòng ốc, kể cả thư viện lẫn phòng thí nghiệm... Đã có thời điểm, một số trường tiểu học trên địa bàn TP.Biên Hòa sĩ số lên tới 60 học sinh/lớp. Lớp đông, giáo viên mệt mỏi, chất lượng giảng dạy tất yếu suy giảm.

Theo tính toán của ngành GD-ĐT, mỗi năm học mới, toàn tỉnh lại tăng thêm khoảng 20 ngàn học sinh đồng nghĩa với việc cần thêm hơn 10 trường học mới/năm học. Điều này đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn mà không phải khi nào nguồn ngân sách cũng đáp ứng được. Đó là chưa kể khó khăn về nguồn đất sạch để xây trường, đặc biệt là ở những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, nguồn đất còn ít ỏi như TP.Biên Hòa, Trảng Bom hay Long Thành, Nhơn Trạch.

Trong nhiều cuộc họp quan trọng, lãnh đạo tỉnh đề nghị các địa phương cần đặc biệt ưu tiên cho giáo dục và không để bất kỳ một học sinh nào đến tuổi đi học mà không được đến trường hay nghỉ học do thiếu trường, thiếu lớp. Phải giải quyết dứt điểm tình trạng dạy và học ca ba đồng thời không để sĩ số học sinh/lớp quá cao, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường còn đề nghị các địa phương tìm cơ chế tốt nhất để tư nhân đầu tư vào giáo dục nhằm chia sẻ áp lực, khó khăn mà ngành đang gặp phải.

Thực tế tại Đồng Nai cho thấy sự chung tay của tư nhân đầu tư cho giáo dục thời gian qua đã góp phần làm thay đổi diện mạo ngành GD-ĐT, nhất là về điều kiện cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy. Nguồn lực này còn rất lớn nhưng làm sao và làm như thế nào để khai thác hiệu quả nguồn lực này, khuyến khích tư nhân đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục lại phụ thuộc lớn vào sự chủ động từ chính các địa phương.

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều