Rừng có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người và với môi trường. Đặc biệt, rừng là "lá chắn" ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất, hạn chế lũ quét, sạt lở đất, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Trước diễn biến phức tạp của khí hậu hiện nay, vai trò đó càng đặc biệt quan trọng.
Rừng có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người và với môi trường. Đặc biệt, rừng là “lá chắn” ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất, hạn chế lũ quét, sạt lở đất, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Trước diễn biến phức tạp của khí hậu hiện nay, vai trò đó càng đặc biệt quan trọng.
Với sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp làm nảy sinh các loại khí và bụi độc hại, sự lạm dụng các loại rác thải, lạm dụng hóa chất trong quá trình sản xuất nông nghiệp… thì việc giữ rừng là một trong những “cứu cánh” cho sự tồn tại khỏe mạnh của con người. Do đó, bảo vệ rừng cũng là mục tiêu rất rõ ràng của Chính phủ nhiều năm nay.
Một sự thật là rất khó để giữ rừng nếu không có sự góp sức của người dân, mà cụ thể nhất ở đây là những cộng đồng dân cư sinh sống dựa vào rừng: những người canh tác trên đất rừng, những hộ nhận khoán rừng, thuê lại rừng để khai thác và bảo vệ… Và để có sự góp sức đó, cần đến những chính sách quản lý cân bằng được lợi ích của những người dân sống dựa vào rừng. Lúc này, cần xác định rõ một điều là với họ, rừng và đất lâm nghiệp là công cụ sản xuất quan trọng nhất. Tuy nhiên, một số quy định lại đang gây khó khăn cho những người dân sống nhờ rừng, cũng đồng thời gây khó cho việc quản lý và bảo vệ rừng nói chung. Trong đó, những vướng mắc lớn nhất là về quy định mật độ cây rừng, việc xác định chủ sở hữu với rừng phòng hộ khi nhà nước có đầu tư một phần kinh phí và các quy định về khai thác rừng trồng trong đất tại vùng quy hoạch rừng phòng hộ.
Không thể phủ nhận, Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã ban hành nhiều quy định mới về quyền sở hữu và quyền sử dụng rừng, giao đất, giao rừng, cho thuê rừng… và đã có nhiều tác dụng lớn trong việc đảm bảo cho người dân có đất sản xuất, đồng thời phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát triển rừng. Tuy nhiên, luật vẫn chưa giải quyết triệt để các vướng mắc phát sinh nêu trên, trong khi những vướng mắc đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người dân sống dựa vào rừng, cũng là những người quan trọng nhất góp phần giữ rừng.
Đồng Nai hiện có hơn 169,2 ngàn hécta rừng, phân thành 3 loại: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng trồng. Với một địa phương phát triển mạnh về sản xuất công nghiệp như Đồng Nai thì việc bảo vệ rừng và trồng rừng cực kỳ quan trọng. Vậy nên, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là bằng mọi giá phải giữ được rừng, không chỉ cho hiện tại mà đó còn là trách nhiệm với các thế hệ tương lai. Song, để những khó khăn nhanh chóng được tháo gỡ, cần đến sự chung tay, ở tầm địa phương chưa đủ mà còn cần đến sự góp sức của các bộ, ngành trung ương một cách nhanh chóng và hiệu quả, tránh để quá lâu khiến những người gắn bó với việc bảo vệ, khai thác rừng phải “nản lòng”.
Vi Lâm