Câu hỏi "chọn phát triển kinh tế hay bảo vệ môi trường" từng gây tranh cãi từ nghị trường Quốc hội đến các diễn đàn kinh tế, cũng là vấn đề nhức nhối không phải của riêng địa phương hay quốc gia nào, đó là một vấn đề diễn ra ở phạm vi toàn cầu.
Câu hỏi “chọn phát triển kinh tế hay bảo vệ môi trường” từng gây tranh cãi từ nghị trường Quốc hội đến các diễn đàn kinh tế, cũng là vấn đề nhức nhối không phải của riêng địa phương hay quốc gia nào, đó là một vấn đề diễn ra ở phạm vi toàn cầu.
Chọn môi trường thì hy sinh lợi ích kinh tế và ngược lại, muốn phát triển kinh tế thật nhanh phải “hy sinh” sự toàn vẹn của môi trường từng là lựa chọn khắc nghiệt của nhiều quốc gia. Những cánh rừng ngã xuống dành chỗ cho nhà máy và khu đô thị mọc lên, những dòng sông bị chặn lại, đổi dòng để làm thủy điện, các mỏ khoáng sản bị khai thác cạn kiệt để tận thu khoáng sản…, hóa chất từ hoạt động sản xuất ngấm vào đất, tan vào không khí và dần tạo nên một cuộc sống ngột ngạt vì ô nhiễm bủa vây. Nhiều quốc gia đã trả giá rất lớn sau hàng chục năm dài chấp nhận đánh đổi môi trường và sự cân bằng sinh thái để lấy sự gia tăng hằng năm của chỉ số GDP, kim ngạch xuất khẩu…
Việt Nam cũng không ngoại lệ. Những năm đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước, bắt đầu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bắt đầu xây dựng nền sản xuất công nghiệp lớn thì gần như chưa có sự chọn lọc dự án, pháp luật về bảo vệ môi trường cũng chưa chặt chẽ. Do đó, một số địa phương có tỷ lệ ô nhiễm môi trường khá cao, nước thải đổ ra sông, suối và chất thải chưa được xử lý ngấm vào lòng đất. Song những năm gần đây, mọi chuyện đã thay đổi. Để bảo vệ môi trường, Chính phủ đã dần hoàn thiện hành lang pháp lý để ràng buộc nhà đầu tư về bảo vệ môi trường, đi kèm với các chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi gây hại môi trường. Các dự án đầu tư được chọn lọc, những dự án có công nghệ lạc hậu bị từ chối. Đi kèm là các giải pháp phục hồi môi trường, giữ rừng, trồng rừng, xử lý ô nhiễm cho sông, suối và giảm thiểu rác thải.
Vậy nên với câu hỏi: “Chọn kinh tế hay chọn môi trường?”, giờ đây chỉ có một câu trả lời: “Phải chọn cả hai”. Không thể dừng phát triển kinh tế, không để đất nước tụt hậu nhưng cũng dứt khoát không thể hy sinh môi trường sinh thái để phục vụ cho sự phát triển đó. Trách nhiệm với tương lai của quốc gia, của từng địa phương và cũng là trách nhiệm của mỗi người là đóng góp vào sự phát triển trên cơ sở bảo vệ môi trường. Điều này là khả thi bởi những công nghệ mới, kỹ thuật mới không còn gây hại cho môi trường như xưa và đi kèm với trào lưu “sản xuất sạch, tiêu dùng xanh”, mỗi người đều có thể góp một tay để giữ gìn môi trường sinh thái cho thế hệ tương lai.
Vi Lâm