Báo Đồng Nai điện tử
En

Trách nhiệm của mỗi người

09:06, 16/06/2019

Theo lệ thường, nếu một trận mưa to gây ngập nước với những bất tiện trước mắt như: kẹt xe, xe chết máy... thì người dân thường "kêu ca" với chính quyền về quy hoạch, về đầu tư hạ tầng thoát nước kém, về duy tu, sửa chữa, quản lý đường sá và cống thoát nước...

Theo lệ thường, nếu một trận mưa to gây ngập nước với những bất tiện trước mắt như: kẹt xe, xe chết máy... thì người dân thường “kêu ca” với chính quyền về quy hoạch, về đầu tư hạ tầng thoát nước kém, về duy tu, sửa chữa, quản lý đường sá và cống thoát nước...

Nhưng suy cho cùng, ngập nước là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển đô thị mà cả chính quyền lẫn người dân đều có trách nhiệm của mình trong đó. Nguyên nhân kể ra thì nhiều, song chủ yếu vẫn là đô thị phát triển nhanh chóng dẫn đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật thoát nước và chống ngập úng không theo kịp với tốc độ phát triển đô thị, cùng với hệ thống thoát nước cũ, nhỏ dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu thoát nước.

Ngoài ra, sự thiếu đồng bộ trong quản lý cao độ xây dựng, dẫn đến tình trạng hình thành các vùng trũng thấp cục bộ, đặc biệt là các khu vực đô thị hiện hữu so với các tuyến đường mới được nâng cấp, hay các đô thị mới hình thành. Cũng không loại trừ công tác dự báo chưa lường hết được biến đổi khí hậu nên thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp với tình hình thực tế khiến một số tuyến thoát nước dù mới được đầu tư cũng trở nên quá tải.

Một nguyên nhân quan trọng không kém gây ngập lụt đô thị là ý thức của người dân còn hạn chế và việc quản lý chưa được thực hiện tốt nên nhiều nơi bị lấn chiếm, san lấp trái phép, tình trạng xả rác ra kênh rạch, cửa xả vẫn còn rất phổ biến làm thu hẹp dòng chảy, tắc nghẽn hệ thống thoát nước, hố ga, cửa xả… Tại TP.Biên Hòa, không ít lần cơ quan chức năng phải tổ chức ra quân vận động người dân ngưng đổ chất thải, ngưng bỏ rác và bịch ny-lông, rác thải nhựa xuống kênh rạch, hệ thống cống thoát nước. Bởi, dẫu có đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm mới hệ thống thoát nước thì chỉ cần một khu dân cư thiếu ý thức là cả khu vực xung quanh có thể “tái ngập” ngay sau một cơn mưa.

Do đó, mỗi người đều “có phần mình” trong tiến trình đô thị hóa, xây dựng, sống và sinh hoạt tại đô thị, giữ gìn vệ sinh chung và thậm chí mỗi người cũng góp phần, dù rất nhỏ, trong sự biến đổi khí hậu gây triều cường và ngập úng.

Vậy nên giải pháp để chống ngập lụt đô thị, thoát nước tốt phải là giải pháp đồng bộ, có sự chung tay của mỗi người. Trong đó, chính quyền cần nhanh chóng triển khai quy hoạch và các dự án thoát nước, chống ngập úng để đáp ứng được vấn đề thoát nước và chống ngập đô thị. Người dân cũng phải có trách nhiệm thật sự trong việc giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ hệ thống thoát nước, giảm thiểu rác thải sinh hoạt, không xây dựng trái phép, giữ gìn sự thông thoáng của kênh rạch, sông, suối… thì về lâu dài, ngập lụt đô thị mới phần nào được giải quyết căn cơ.

Vi Lâm

Tin xem nhiều