Tại cuộc trao đổi nghiệp vụ với đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Báo Đồng Nai mới đây, nhà báo Tăng Quỳnh (Báo Tuổi Trẻ) đã phân chia nhà báo ra làm 4 loại. Trong đó, có một loại khá "nguy hiểm" với các cơ quan báo chí hiện nay, đó là nhà báo "trẻ mãi không già".
Tại cuộc trao đổi nghiệp vụ với đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Báo Đồng Nai mới đây, nhà báo Tăng Quỳnh (Báo Tuổi Trẻ) đã phân chia nhà báo ra làm 4 loại. Trong đó, có một loại khá “nguy hiểm” với các cơ quan báo chí hiện nay, đó là nhà báo “trẻ mãi không già”.
Nhà báo Tăng Quỳnh (Báo Tuổi Trẻ) trao đổi đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Báo Đồng Nai. Ảnh: Huy Anh |
Theo nhà báo Tăng Quỳnh, nhà báo “trẻ mãi không già” là nhà báo trước sau gì vẫn vậy, không có sự khác biệt kể từ lúc mới vào nghề đến khi có “thâm niên”. Loại nhà báo này ngại thay đổi, làm việc theo lối mòn và chỉ xem đây là một công việc đơn thuần, thiếu đi niềm đam mê, dấn thân với nghề. Một cơ quan báo chí nếu có nhiều nhà báo “trẻ mãi không già” sẽ rất khó để thích ứng với công nghệ làm báo hiện đại thời công nghệ 4.0 và tất yếu sẽ đi sau, tụt hậu.
Làm báo ngày nay đã có nhiều thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu của công chúng. Một cơ quan báo chí giờ đây không đơn thuần là cơ quan báo in, báo online hay PT-TH mà có thể tích hợp “n trong 1”. Ngay cả trong một tác phẩm báo chí cũng sử dụng đa thể loại, đa nền tảng. Báo chí thời hội tụ, đa phương tiện đang có sự phát triển mạnh mẽ, tạo nên sự thích thú, hứng khởi bất tận cho công chúng.
Công nghệ làm báo đã thay đổi, tất yếu nhà báo phải đón đầu được sự thay đổi này để hoàn thành nhiệm vụ được giao, thích ứng với thời cuộc. Đã và đang hình thành một đội ngũ nhà báo năng động, nhiệt huyết, giỏi công nghệ, vừa có thể viết tin, bài có ảnh kèm file audio, video, vừa có thể vẽ đồ họa hay làm báo theo công nghệ mới như longform, Mega story… Nhiều nhà báo đã không ngừng học hỏi để tìm tòi, sáng tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn được công chúng đón nhận và ủng hộ nhiệt tình.
Báo chí chính thống đang đứng trước những thách thức không nhỏ từ truyền thông xã hội. Điều này lại càng đòi hỏi mỗi nhà báo phải nâng cao trách nhiệm của mình đối với công việc bằng việc không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Không thể “trẻ mãi không già”, càng không thể thụ động trước các nguồn thông tin ngồn ngộn của cuộc sống. Nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng và trình độ nghiệp vụ tinh thông, chắc chắn nhà báo sẽ không trụ vững và rất dễ bị lôi kéo, dụ dỗ bởi các thế lực thù địch.
Chủ động trang bị kỹ năng cho mình sẽ giúp mỗi nhà báo tự tin hoàn thành tốt sứ mệnh là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Bên cạnh đó, theo đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trong bài viết Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam, mỗi cơ quan báo chí cần “tăng cường đào tạo, bồi dưỡng những người làm báo về bản lĩnh chính trị, về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ, trau dồi đạo đức, ý thức về sứ mệnh nghề nghiệp…”.
Chỉ khi ý thức được sứ mệnh nghề nghiệp của mình, nhà báo sẽ không ngại khó, ngại khổ để dấn thân, trưởng thành với nghề mình đã chọn.
Minh Ngọc