An toàn lao động và vệ sinh lao động là những quy định nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe đồng thời duy trì tốt khả năng làm việc lâu dài của người lao động.
An toàn lao động và vệ sinh lao động là những quy định nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe đồng thời duy trì tốt khả năng làm việc lâu dài của người lao động. Thế nhưng bên cạnh những đơn vị, doanh nghiệp chấp hành tốt quy định này vẫn còn không ít đơn vị, doanh nghiệp thiếu sự quan tâm, đầu tư dẫn đến việc để xảy ra các vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng. Tất nhiên, trong các tai nạn này, lỗi chủ quan của người lao động không thể không nhắc tới.
Trong đợt đi thăm người lao động bị tai nạn lao động nhân Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019, hầu hết nạn nhân của các vụ tai nạn đều cho biết rất hối hận vì không chấp hành tốt các quy định có liên quan khi vận hành máy móc. Chỉ vì một vài phút xao nhãng, chủ quan, tai nạn bất ngờ ập xuống, dù không mất đi tính mạng nhưng di chứng để lại suốt đời, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Không ít lao động, nhất là ở những lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm lại thiếu trang bị những vật dụng cần thiết trong quá trình lao động như: mũ, áo, găng tay, khẩu trang… Nguyên nhân một phần do doanh nghiệp không trang bị nhưng cũng có nguyên nhân do người lao động cảm thấy… vướng víu, ngại thực hiện.
Theo đánh giá của Sở Lao động - thương binh và xã hội, đa số các vụ tai nạn lao động xảy ra ở những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể. Ý thức chấp hành các quy định về an toàn lao động và vệ sinh lao động ở những doanh nghiệp này còn hạn chế. Thậm chí, có doanh nghiệp kiểm tra nhiều lần vẫn mắc phải những lỗi đã được nhắc nhở trước đó như không trang bị bảo hộ, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Có doanh nghiệp còn “trốn” nghĩa vụ thực hiện các chế độ về độc hại, nguy hiểm mà lẽ ra người lao động đương nhiên phải được hưởng.
Ngay cả vấn đề thực hiện vệ sinh lao động mà quan trọng nhất là việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động cũng chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Theo đánh giá của ngành Y tế thì nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp khai thác đá, sản xuất hóa chất là khá cao song số lao động được kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng chống bệnh nghề nghiệp còn thấp. Số hồ sơ sức khỏe mà ngành Y tế quản lý trong doanh nghiệp vẫn còn ít hơn rất nhiều so với con số thực tế. Ước tính mới chỉ có khoảng 40% số doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định về chăm sóc sức khỏe cho người lao động còn lại trên 60% vẫn tìm cách “lách”, “trốn” thực hiện nghĩa vụ này.
Trang bị kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động làm thay đổi nhận thức cho chủ doanh nghiệp và người lao động là giải pháp đã được các ngành chức năng của Đồng Nai thực hiện nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được vẫn chưa như mong muốn bởi vẫn còn những doanh nghiệp cố tình không tuân thủ hay những lao động chủ quan với chính sức khỏe, tính mạng của mình. Trong khi đó, Đồng Nai là địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp với số lượng lao động lớn lên đến 1,2 triệu người rất cần được bảo vệ an toàn.
Thực tế là số vụ tai nạn lao động ở Đồng Nai vẫn còn ở mức khá cao, kể cả về số vụ và số người chết. Điều này cho thấy còn khá nhiều vấn đề cần được tiếp tục thực hiện và thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả chứ không chỉ diễn ra chủ yếu trong Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động được tổ chức hằng năm.
Minh Ngọc