Trung tuần tháng 5 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương đóng góp ý kiến để xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, lộ trình cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 định hướng đến năm 2021 theo Nghị quyết của Chính phủ đề ra.
Trung tuần tháng 5 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương đóng góp ý kiến để xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, lộ trình cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 định hướng đến năm 2021 theo Nghị quyết của Chính phủ đề ra.
Một trong những phần việc quan trọng nhất mà lãnh đạo tỉnh yêu cầu phải cải thiện là nâng cao vị trí của Đồng Nai trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
PCI (viết tắt của cụm từ Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. Đây là dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Chỉ số này được công bố thí điểm lần đầu tiên vào năm 2005 cho 42 tỉnh, thành. Từ lần thứ 2, năm 2006 trở đi đến nay, tất cả các tỉnh, thành của Việt Nam đều được đưa vào xếp hạng, đồng thời các chỉ số thành phần cũng được tăng cường thêm.
PCI được tổng hợp và đánh giá dựa trên hàng ngàn phiếu nghiên cứu từ hàng ngàn doanh nghiệp với các chỉ số liên quan trực tiếp đến môi trường đầu tư: cải cách hành chính, chi phí không chính thức, thủ tục đất đai, thái độ phục vụ của bộ máy hành chính… Dĩ nhiên, bất kỳ một kết quả nghiên cứu nào cũng có sai số trong giới hạn và PCI cũng như các bảng xếp hạng khác cũng đóng vai trò một nguồn tham khảo, không nhất thiết đại diện cho toàn bộ các yếu tố trong môi trường đầu tư của một địa phương. Tuy nhiên, nhiều năm qua, một thực tế là PCI đã trở thành bảng xếp hạng có vị trí quan trọng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và góp phần khá lớn vào quyết định đầu tư tại địa phương nào của họ.
Nhìn lại trong gần 10 năm qua, mặc dù luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư cả trong nước lẫn ngoài nước (tốp 5), song phải thẳng thắn thừa nhận rằng trong bảng xếp hạng PCI, Đồng Nai chưa được đánh giá cao. Các thứ hạng của tỉnh trong bảng xếp hạng này trong 5 năm gần đây (từ 2014-2018) lần lượt ở các vị trí: 42, 37, 34, 26 và 26. Mặc dù có nhiều chỉ số thành phần được cải thiện qua các năm, song thứ hạng chung vẫn chưa có đột phá.
Chính vì vậy, nỗ lực của Đồng Nai trong thời gian tới là đưa vị trí xếp hạng PCI của tỉnh tăng lên, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất Việt Nam. Mục đích của điều này không phải là thành tích, mà nhắm đến sự cải thiện thực sự trong môi trường kinh doanh, đầu tư của Đồng Nai trong nhiều năm tới để xứng với tiềm năng sẵn có. Muốn vậy, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt về cải cách hành chính, tinh gọn thủ tục và đặc biệt là tinh thần làm việc của cả bộ máy cần minh bạch, hiệu quả, công tâm.
Vi Lâm