Có một sự thật khác trong vụ cá chết hàng loạt tại làng bè La Ngà (huyện Định Quán) gây xôn xao dư luận vào trung tuần tháng 5-2019 vừa qua, đó là những chủ bè cá nào nhanh nhạy trong việc dời bè cá xuôi theo lòng sông đến những khúc sông vắng hơn thì cá nuôi trong bè không bị chết.
Có một sự thật khác trong vụ cá chết hàng loạt tại làng bè La Ngà (huyện Định Quán) gây xôn xao dư luận vào trung tuần tháng 5-2019 vừa qua, đó là những chủ bè cá nào nhanh nhạy trong việc dời bè cá xuôi theo lòng sông đến những khúc sông vắng hơn thì cá nuôi trong bè không bị chết.
Thật ra về mặt quản lý, đây không phải là một sự cố ngoài khả năng dự tính, song trên thực tế vẫn có những trục trặc khi khuyến cáo người dân. Cụ thể, dự báo trước rủi ro cá chết vào giai đoạn chuyển mùa, từ hơn 1 tháng trước, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, đơn vị quản lý mặt nước ở sông La Ngà, đã cùng UBND huyện Định Quán và các đơn vị liên quan tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cá bè ở khu vực này di dời để tránh tai họa. Tuy nhiên, có chủ bè chủ động di dời, có chủ bè vì nhiều nguyên nhân vẫn tiếp tục “neo” cá ở khu vực làng bè nên khi mưa lớn “ập” về, họ trở tay không kịp.
Thống kê của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, ngay sau khi xảy ra sự cố cá chết cho thấy, có khoảng 1/3 số lượng bè cá ở sông La Ngà đã di dời lên khu vực sông thuộc xã Thanh Sơn. Tình hình cá nuôi của các bè cá đã di dời vẫn tốt. Các hộ còn lại vì nhiều lý do đã không di dời và thực tế những hộ này đã ký cam kết tự chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra. Như vậy, sự cố cá chết trên sông La Ngà có thể chủ động phòng tránh được nếu người nuôi chủ động hơn trong việc thực hiện các khuyến cáo của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
Câu chuyện cá chết với những thiệt hại của người nuôi đã xảy ra và sự chia sẻ với thiệt hại của bà con là nên có. Song, nếu thực sự tuân thủ quy hoạch, thực sự tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng trong việc di dời bè cá để tránh tập trung quá nhiều bè ở “vùng trũng” khi mưa lũ đổ về, có lẽ hậu quả đã không lớn đến thế.
Việc người nuôi tăng quá nhanh số lượng bè cá, không tuân thủ quy hoạch (chỉ riêng khu vực hồ Trị An, thể tích lồng bè đã gấp 9-10 lần quy hoạch giai đoạn 2016-2020) và chủ quan không di dời trước khuyến cáo của cơ quan chức năng cũng là một trong những điều cần xem lại trong quá trình xét duyệt kinh phí hỗ trợ, dù những thiệt hại là có thật.
Về lâu dài, người nuôi cũng cần chấp hành đúng quy hoạch, đúng khuyến cáo về số lượng, thể tích lồng, bè, có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường khu vực nuôi cá để tránh những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra, bởi người nuôi sẽ là những người chịu thiệt hại lớn nhất và không có ngân sách nào đủ để năm nào cũng chi hỗ trợ cho những sự cố có thể phòng tránh trước.
Vi Lâm