Báo Đồng Nai điện tử
En

Khơi thông dòng chảy

09:06, 30/06/2019

Một triệu tỷ đồng là số vốn ước lượng cho nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vùng Nam bộ trong giai đoạn 2016-2020, nhưng mức đáp ứng thực tế chỉ đạt 210 ngàn tỷ đồng, tức chỉ 1/5.

Một triệu tỷ đồng là số vốn ước lượng cho nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vùng Nam bộ trong giai đoạn 2016-2020, nhưng mức đáp ứng thực tế chỉ đạt 210 ngàn tỷ đồng, tức chỉ 1/5. Con số này đủ để trả lời câu hỏi vì sao nhiều năm qua, hạ tầng giao thông vùng Nam bộ nói riêng phát triển khá chậm chạp và chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

 

“Khát” vốn hạ tầng thực ra không phải là câu chuyện của riêng Nam bộ, riêng Việt Nam mà là câu chuyện chung của mọi quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển. Theo nhiều chuyên gia tham dự hội thảo “Hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ - vấn đề và giải pháp phát triển” do Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh phối hợp với UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức sáng 29-6, kể cả những quốc gia phát triển mạnh về kinh tế thì ngân sách cũng chỉ đáp ứng nổi 1/3 nhu cầu vốn cho hạ tầng, còn lại buộc phải huy động từ các nguồn khác. Tại Việt Nam, Chính phủ cũng sớm nhìn nhận được vấn đề này; “các nguồn khác” cũng chỉ có nghĩa là phải huy động vốn từ kênh tư nhân và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, một khi đã không phải đầu tư từ vốn ngân sách thì đối với tư nhân, các dự án hạ tầng giao thông hiện nay ở nhiều khu vực chưa phải là những dự án sinh lời hấp dẫn. Chẳng hạn, theo chủ trương của Chính phủ, tất cả các tuyến đường không phải độc đạo mà phải có đường chạy song song mới được làm dự án BOT. Mặt khác, vốn đầu tư cho các dự án quốc lộ rất lớn và nhiều dự án không khả thi về mặt lưu lượng phương tiện tham gia giao thông nên nhà đầu tư không mấy mặn mà. Vì vậy, trên thực tế chỉ một số dự án đầu tư đường cao tốc và các dự án khả thi, đáp ứng đủ điều kiện mới có thể thu hút vốn từ kênh này, còn lại hệ thống đường bộ và trên các quốc lộ đa phần phải sử dụng vốn ngân sách.

Nghịch lý vẫn diễn ra trong vấn đề này là với những dự án giao thông “đắc địa” thì có nhiều nhà đầu tư cạnh tranh nhau và khi hoàn thành, tư nhân hưởng lợi lớn trong khi vai trò của Nhà nước lại hạn chế. Do đó, nếu không gỡ được những nút thắt này thì đầu tư hạ tầng giao thông bằng vốn ngoài ngân sách sẽ tái diễn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và tính kết nối không cao, không giúp phát triển kinh tế - xã hội đồng đều được mà chỉ mang tính cục bộ, manh mún.

Một trong những hướng đi khả thi có thể “khơi thông” dòng vốn cho hạ tầng giao thông là gắn phát triển giao thông với việc sử dụng đất. Theo đó, phải sử dụng tăng trưởng của đô thị hóa, công nghiệp hóa để tái đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông. Song hiện tại, điều này cũng khó thực hiện do chưa có hành lang pháp lý, chưa có hệ thống tổ chức và kiểm soát phù hợp. Một vị thứ trưởng của Bộ Giao thông - vận tải cho rằng, nếu muốn thật sự phát triển, cần thống nhất chủ trương “đối xử” với giao thông như những loại hình dịch vụ khác với những quy định rõ ràng, minh bạch về quyền lợi và nghĩa vụ.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều