Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần cơ chế "thoáng hơn" cho phát triển hạ tầng

10:06, 26/06/2019

Phát biểu tại hội nghị Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam diễn ra tại Đồng Nai vào đầu tháng 5-2019, TS.Trần Du Lịch và TS.Trần Đình Thiên đều dành nhiều thời lượng ý kiến của mình vào việc cần đặc biệt chú trọng việc phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông cho các tỉnh trong vùng.

Phát biểu tại hội nghị Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam diễn ra tại Đồng Nai vào đầu tháng 5-2019, TS.Trần Du Lịch và TS.Trần Đình Thiên đều dành nhiều thời lượng ý kiến của mình vào việc cần đặc biệt chú trọng việc phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông cho các tỉnh trong vùng. TS.Trần Du Lịch còn so sánh, trong khi các tỉnh phía Bắc có “đường cao tốc về tận ngõ” thì các tỉnh phía Nam (vốn đóng góp phần lớn GDP quốc gia) lại ít được đầu tư phát triển hạ tầng, đa số còn khá ì ạch, chậm chạp và tính kết nối vùng không cao.

Công bằng mà nói, điều đáng mừng là trong 5 năm gần đây, Đồng Nai có nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn, kết nối vùng và kết nối quốc gia. Nổi bật nhất trong đó vẫn là các đường cao tốc (Bắc - Nam, Dầu Giây - Liên Khương) và Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chưa kể, còn có nhiều dự án quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: tuyến đường ven sông Cái và tuyến đường ven sông Đồng Nai (TP.Biên Hòa), đường kết nối Cảng Phước An (Nhơn Trạch), đường 769 và Bắc Sơn - Long Thành (Trảng Bom - Long Thành)...

Tuy nhiên, hầu hết các dự án trọng điểm hạ tầng giao thông nói trên đều đang ít nhiều gặp vướng mắc, khó khăn. Trong đó, thách thức lớn nhất của các dự án chủ yếu tập trung ở việc nguồn vốn không đủ. Trừ các dự án trọng điểm quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành hay đường cao tốc Bắc - Nam, còn lại những dự án tầm địa phương đã và đang gây “đau đầu” cho lãnh đạo địa phương, bởi rất khó cân đối nguồn vốn thực hiện. Chẳng hạn, tính sơ bộ, để triển khai 40 dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai cần khoảng 20 ngàn tỷ đồng, một con số “khổng lồ” đối với số vốn ít ỏi được bố trí mỗi năm dành cho phát triển hạ tầng của tỉnh.

Không thể “nói” với người dân là “vì không có vốn nên sẽ không làm”, nhất là đối với những dự án hạ tầng trọng điểm, cấp bách và có vai trò “đòn bẩy” trong phát triển kinh tế - xã hội, song tìm được cách tạo vốn cũng không hề dễ dàng, nhất là khi phương thức được cho là hiệu quả nhất - BT (đổi đất lấy hạ tầng) - lại đang được Chính phủ cho dừng vô thời hạn và đến nay hơn 1 năm vẫn chưa có hướng dẫn nào mới.

Để có vốn, Đồng Nai xin được đấu giá đất công để dành tiền thực hiện dự án trọng điểm, xin được giữ lại phần vốn từ khâu sắp xếp doanh nghiệp để có thêm nguồn lực cho hạ tầng, vốn là nhu cầu hết sức nóng bỏng hiện nay. Tuy nhiên, những cách làm này đều có khó khăn riêng của nó và đây rõ ràng chỉ là những cách làm mang tính giải quyết khó khăn nhất thời, khó có thể xem là hướng giải quyết căn cơ, lâu dài cho những khó khăn trong tạo vốn phát triển hạ tầng.

Điều mà Đồng Nai và các địa phương khác cần là những cơ chế tạo vốn phát triển hạ tầng thông thoáng hơn, các cách làm hiệu quả hơn nhằm thu hút sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Muốn vậy, cần hài hòa lợi ích của các bên, cả doanh nghiệp lẫn người dân đều “nhìn” thấy vai trò, nghĩa vụ, lợi ích của mình trong đó.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều