Với mức tăng trưởng kinh tế gấp 1,5 lần mức bình quân của cả nước, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 60% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 60% số dự án và 50% số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam - không thể không khẳng định về vị thế dẫn đầu trong phát triển kinh tế cả nước của 8 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với mức tăng trưởng kinh tế gấp 1,5 lần mức bình quân của cả nước, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 60% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 60% số dự án và 50% số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam - không thể không khẳng định về vị thế dẫn đầu trong phát triển kinh tế cả nước của 8 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài từng có chung nhận xét “muốn biết hình dáng, tính chất kinh tế Việt Nam thế nào, chỉ cần đến tìm hiểu ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, bởi nơi đây tập trung hầu hết mọi lĩnh vực, ngành nghề: sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, chăn nuôi, thủy sản, du lịch, bất động sản, dịch vụ, tài chính… và đại đa số đều phát triển ở mức cao so với cả nước.
Bởi vì vị thế đặc biệt đó, nên trong nhiều hội thảo bàn về chính sách, đường hướng phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhiều ý kiến của các nhà lãnh đạo, chuyên gia đều cho rằng nên xây dựng những chính sách đặc thù cho vùng, với những hỗ trợ rõ ràng để tạo đột phá trong phát triển. Theo đó, cơ chế chính sách phục vụ cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phải hấp dẫn hơn so với các vùng khác. Một thực tế là 4 vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đang thiếu hẳn cơ chế này và vùng cũng chưa được đầu tư đặc biệt về cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, thậm chí mức đầu tư này còn thấp hơn rất nhiều so với các vùng kinh tế trọng điểm khác.
Chưa kể, vẫn tồn tại các vấn đề còn bất cập về quy hoạch vùng, chiến lược phát triển, phân công lao động trong nội bộ vùng. Đặc biệt, vấn đề liên kết vùng có ý nghĩa sống còn với phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng hiện vẫn chưa được chú trọng, nhất là trong việc giải quyết những khó khăn của vùng như: ô nhiễm môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, tốc độ đô thị hóa quá nhanh...
Trong nhiều hội nghị, hội thảo diễn ra các năm trước, năm nào cũng có ý kiến cho rằng vùng kinh tế trọng điểm cần có một Phó thủ tướng trực tiếp phụ trách, chỉ đạo vùng, đồng thời nhanh chóng xây dựng cơ chế đặc thù giúp toàn vùng có sự phát triển đột phá như: ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của các vùng kinh tế trọng điểm; tập trung vốn cho công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống logistics; tăng kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng, bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh (giao thông, cảng, bến và kho bãi) và mạng thông tin quản lý (tài chính, ngân hàng, hải quan, thuế)… Có như thế, về lâu dài, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và các vùng kinh tế trọng điểm còn lại khác nói chung, mới phát huy được vai trò “đầu tàu” cho cả nước, tạo sức bật để góp phần phát triển những vùng còn lại.
Vi Lâm