Tính từ năm 2012 đến nay, Việt Nam kiểm soát lạm phát khá tốt và hầu hết đều dưới 2 con số (năm 2011 là năm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Việt Nam tăng cao kỷ lục, ở mức trên 18%).
Tính từ năm 2012 đến nay, Việt Nam kiểm soát lạm phát khá tốt và hầu hết đều dưới 2 con số (năm 2011 là năm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Việt Nam tăng cao kỷ lục, ở mức trên 18%). Còn nhớ giai đoạn đó, từ ngữ quen thuộc gây “ám ảnh” thường xuyên nhất trên mọi tờ báo là “tăng giá”. Lãi suất ngân hàng nhảy lên 23-24%/năm, giá xăng dầu tăng, giá điện tăng… dẫn đến mặt bằng giá cả tăng liên tục và Chính phủ phải tìm mọi cách giảm CPI để tránh “vỡ trận” về kinh tế.
Mấy năm gần đây, CPI hầu như luôn được kiểm soát tốt ở mức 3-5%/năm, thậm chí năm 2015 chỉ tăng 0.65% và Chính phủ lại lo lắng đến nguy cơ giảm phát và có nhiều động thái kích cầu tiêu dùng. Năm 2019, Bộ Tài chính đã đề ra 3 kịch bản tăng CPI dựa vào dự đoán về giá xăng dầu và một số yếu tố đầu vào khác. Theo đó, Chính phủ sẽ kiềm chế mức lạm phát dưới 4% cho dù giá xăng dầu có tăng mạnh đến 15%.
Mặc dù vậy, tháng 4-2019 vẫn là một tháng “gây sốc” với nhiều nhà sản xuất, kinh doanh lẫn người tiêu dùng khi giá xăng dầu liên tục tăng, cộng hưởng vào đó là giá điện được điều chỉnh tăng vào đúng tháng cao điểm sử dụng điện. Chưa kể, tỷ giá USD cũng tăng mạnh trong thời gian qua, chạm mốc 23.450 đồng/USD, gây ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu. Xăng dầu, gas, điện, ngoại tệ… là những yếu tố đầu vào cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế. Khi những yếu tố này đồng loạt tăng, sự lo lắng về tăng giá quay trở lại với người dân và cả cơ quan quản lý.
Trên thực tế, với một nền kinh tế lệ thuộc khá nhiều vào xuất nhập khẩu, vào giá xăng dầu thế giới và chi phí sản xuất điện ngày một tăng thì sự trồi sụt về giá các yếu tố này không thể được quyết định bằng mệnh lệnh hành chính hay một công cụ điều hành mang tính cứng nhắc. Vì vậy, có những giải pháp hiệu quả để ứng phó với tăng giá là điều cần thiết và hiệu quả mà từ người tiêu dùng đến doanh nghiệp sản xuất cần lưu ý. Nhiều doanh nghiệp cho biết, khi giá điện tăng, họ chủ động có các kịch bản để giảm chi phí như: đổi mới công nghệ, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, giảm thiểu các chi phí khác để bù vào… Tương tự, một gia đình có thể cân đối chi tiêu tiết kiệm hơn, tránh việc cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị điện vào giờ cao điểm, chọn lựa các phương tiện công cộng để tiết kiệm xăng…
Tăng giá là điều không ai muốn, song ở một nền kinh tế thị trường có độ mở lớn, đó là điều phải chấp nhận bên cạnh những lợi thế khác. Những lợi thế của một nền kinh tế mở khá dễ thấy, như: giá cả nhiều loại hàng hóa giảm nhiều so với trước do hàng nhập khẩu được giảm thuế, công nghệ sản xuất phát triển mạnh và năng suất cao khiến nông sản thực phẩm cũng ngày một cạnh tranh hơn về giá, chưa kể giá xăng dầu có thể tăng và cũng có thể giảm theo giá thế giới. Vậy nên, chủ động có những giải pháp hiệu quả dựa trên những lợi thế sẵn có và ý thức tiết kiệm, giảm chi phí là điều quan trọng nhất khi giá cả thị trường biến động.
Vi Lâm