Cách đây 15 năm, khi Nhà nước bắt đầu có chủ trương đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ cho kinh tế tập thể, cụ thể bằng Nghị quyết số 13-NQ-TW (tháng 3-2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX) về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, không ít người lo lắng rằng dù có nhiều "bệ đỡ" từ chính sách, song kinh tế tập thể mà nền tảng là các hợp tác xã, khó mà phát triển nhanh, mạnh, đa dạng như mong đợi.
Cách đây 15 năm, khi Nhà nước bắt đầu có chủ trương đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ cho kinh tế tập thể, cụ thể bằng Nghị quyết số 13-NQ-TW (tháng 3-2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX) về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, không ít người lo lắng rằng dù có nhiều “bệ đỡ” từ chính sách, song kinh tế tập thể mà nền tảng là các hợp tác xã (HTX), khó mà phát triển nhanh, mạnh, đa dạng như mong đợi.
Một cách sòng phẳng, những hoài nghi đó không phải không có cơ sở bởi mặc dù kinh tế tập thể luôn được xác định là nền tảng trong định hướng phát triển lâu dài của Việt Nam, song vì nhiều lý do, hệ thống HTX thời gian trước hoạt động khá cầm chừng, ì ạch và nếu không đổi mới, sẽ khó tồn tại và cạnh tranh được ở thị trường trong nước - khi mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng.
Nghị quyết 13 gần như là một chính sách “cởi trói” trên nhiều mặt cho các HTX. Trên tinh thần nghị quyết, trong 15 năm qua, Đồng Nai đã thể chế hóa, ban hành gần 15 nghị quyết, quyết định, kế hoạch, đề án… nhằm hỗ trợ, khuyến khích sự phát triển của hệ thống HTX. Những hỗ trợ đó bao quát nhiều khía cạnh: đất đai, khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, hỗ trợ vốn… nhằm mục đích giúp các HTX “chuyển mình” để tăng sức cạnh tranh trong thời hội nhập.
Rõ ràng, những chính sách hỗ trợ đó đã có hiệu quả. Chỉ cần nhìn vào số lượng HTX, có thể thấy ngay sự thay đổi đó. Nếu như năm 2003, toàn tỉnh chỉ có 114 HTX thì đến năm 2018 đã có 389 HTX, quỹ tín dụng nhân dân, tăng hơn gấp 3 lần về số lượng. So với năm 2003, tổng vốn điều lệ đăng ký của HTX cũng đạt trên 1,6 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 54 lần; tổng tài sản của HTX trên 5,6 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 77,6 lần. Hiện bình quân vốn điều lệ của một HTX là trên 4,2 tỷ đồng. Các HTX cũng không còn gói gọn ngành nghề kinh doanh của mình vào lĩnh vực nông nghiệp như trước, mà đã “vươn” ra nhiều ngành khác, từ thương mại đến vận tải, tài chính đến môi trường…
Song, bên cạnh đó, những tồn tại và yếu kém nội tại của HTX cũng vẫn là những thách thức cho giai đoạn phát triển mới của HTX: vốn ít, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, nguồn nhân lực chất lượng thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, đầu ra chưa ổn định… Những khó khăn này càng được tô đậm lên trong thời buổi cạnh tranh đến từ nhiều phía, và trong cuộc cạnh tranh đó HTX sẽ không nhận được bất kỳ sự ưu ái nào từ thị trường, đối tác, đối thủ… Vậy nên, trong giai đoạn tới, nhất thiết phải có những chính sách, cách làm, giải pháp hiện đại hóa hoạt động HTX, “biến” các HTX thành những doanh nghiệp thực sự “khỏe mạnh” từ tài chính, nhân sự, sản phẩm, thị trường… thì mới có thể tồn tại và phát triển. Những giải pháp này thực sự cần phải làm nhanh, không thể chần chừ bởi sức ép của hội nhập đã vào sâu thị trường nội địa, len lỏi vào mọi thành phần kinh tế, vào mọi ngành nghề, lĩnh vực.
Vi Lâm