Một dự án được coi là "tham vọng" là xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đã được Chính phủ và Quốc hội "nâng lên đặt xuống" từ nhiều năm trước. Lý do là nguồn lực có hạn nên có những dự án dù biết rằng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển đất nước nhưng chưa có điều kiện để làm.
Một dự án được coi là “tham vọng” là xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đã được Chính phủ và Quốc hội “nâng lên đặt xuống” từ nhiều năm trước. Lý do là nguồn lực có hạn nên có những dự án dù biết rằng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển đất nước nhưng chưa có điều kiện để làm.
Bộ Giao thông - vận tải nhiều lần đánh giá, đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải Bắc - Nam sẽ vượt tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong khi đó, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao lại yêu cầu nguồn kinh phí rất lớn, công nghệ phức tạp, chắc chắn không thể triển khai trước năm 2025. Đồng thời, các công trình hạ tầng như cảng hàng không, cảng biển, đường thủy nội địa tuy đã được ưu tiên đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao, chưa đáp ứng tốt các nhu cầu… nên chưa thể phát huy tối đa hiệu quả (nguồn: trang web Chính phủ). Vậy nên, đường bộ cao tốc Bắc - Nam là lựa chọn tối ưu nhất trong tương lai gần để giải quyết sự quá tải này.
Và dự án đó đã trở thành hiện thực một phần bằng Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22-11-2017 của Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Trước mắt là đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654km, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành phố, gồm 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.
Muốn dự án hoàn thành vào năm 2021 theo yêu cầu của Quốc hội thì giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, quyết định đến tiến độ toàn dự án. 2 trong tổng số 11 dự án thành phần của “siêu dự án” đường cao tốc ngàn tỷ này có đi ngang địa phận tỉnh Đồng Nai là Bến Lức - Long Thành và Phan Thiết - Dầu Giây hiện đang nằm trong tình trạng bị “thúc” tiến độ giải phóng mặt bằng liên tục. Trong đó, đoạn Bến Lức - Long Thành đang trong tình trạng “báo động” do tiến độ đã quá chậm so với yêu cầu đề ra. Chính vì vậy, nhiều buổi làm việc giữa Chính phủ, Bộ Giao thông - vận tải với Đồng Nai đã diễn ra nhằm giải quyết khó khăn, bàn giao mặt bằng đúng hạn để triển khai thi công dự án.
Đồng Nai hiện đang đối mặt với khối lượng công tác giải phóng mặt bằng rất lớn, từ Sân bay Long Thành đến các dự án cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và sắp tới là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... chưa kể các dự án khác rải rác khắp nơi trong tỉnh. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống từ tỉnh đến các địa phương, làm nhanh, làm đúng luật để không gây ảnh hưởng đến tiến độ chung. Có như thế, Đồng Nai mới “góp tay” vào sự phát triển chung của cả vùng - dự đoán sẽ “bật” lên mạnh mẽ trong 5 năm tới khi hạ tầng được khơi thông.
Vi Lâm