Trong một thập niên qua, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã không còn xa lạ gì với doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam bởi đây là một trong những cuộc vận động được tổ chức bài bản và có sức lan tỏa lớn nhất trong xã hội.
Trong một thập niên qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã không còn xa lạ gì với doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam bởi đây là một trong những cuộc vận động được tổ chức bài bản và có sức lan tỏa lớn nhất trong xã hội. Cuộc vận động khởi nguồn từ năm 2009 bằng kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong mọi tầng lớp nhân dân. Ý nghĩa sâu xa của cuộc vận động này là đề cao tinh thần dân tộc trong mua sắm hàng hóa, thông qua đó ủng hộ và nâng đỡ cho doanh nghiệp trong nước trưởng thành và phát triển.
Từ chỗ phải cạnh tranh gay gắt trên kệ hàng với các loại hàng hóa khác, đặc biệt là hàng hóa giá rẻ, sau 10 năm, rất nhiều nhãn hiệu hàng Việt Nam 100% (thương hiệu hoàn toàn là của doanh nghiệp trong nước) đã cạnh tranh “sòng phẳng” với những mặt hàng ngoại nhập hoặc hàng liên doanh sản xuất trong nước về cả mẫu mã, chất lượng lẫn giá bán. Cũng trong 10 năm qua, thị trường chứng kiến những sự trưởng thành ấn tượng của rất nhiều thương hiệu Việt, thậm chí có những thương hiệu còn đạt doanh số hàng tỷ USD, xuất khẩu đi các nước khác và áp đảo cả những mặt hàng cùng ngành của các tập đoàn đa quốc gia “sừng sỏ” như: Vinamilk, Vingroup, Vinamit, TH Truemilk, Bibica, Tân Hiệp Phát, Hòa Phát, Nutifood, Sabeco, Thaco, PNJ, Trung Nguyên…
Chưa kể, mỗi năm có hàng ngàn thương hiệu Việt Nam tham gia thị trường hoặc lớn mạnh thêm, tìm được hướng đi riêng, tìm được chỗ đứng trên thị trường và tự tin cạnh tranh cùng hàng ngoại.
Thật ra, cái “được” nhất của cuộc vận động này là từ chỗ cần “vận động” ưu tiên chọn hàng Việt để ủng hộ doanh nghiệp trong nước thì đến nay, rất nhiều người tiêu dùng đã mua hàng Việt Nam một cách tự nguyện mà không cần “vận động”. Song nói vậy không có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam có thể ngưng mọi nỗ lực để chiếm được lòng tin người tiêu dùng, bởi khá nhiều khó khăn nội tại vẫn còn: vốn ít, kinh nghiệm tiếp thị và bán hàng còn non, thương hiệu chưa mạnh… Chừng nào doanh nghiệp sản xuất hàng Việt chưa triệt để cải thiện những mặt còn yếu này, chừng đó thị phần trong lòng người mua Việt Nam vẫn còn chưa vững.
Trong bối cảnh thị trường trong nước ngày càng có sự cạnh tranh gắt gao hơn khi hàng ngoại nhập “tràn” vào nhiều hơn bao giờ hết thông qua các hiệp định thương mại tự do, thì chỉ có những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp trong việc cải tiến chất lượng hàng hóa mình làm ra mới là sự “vận động” bền vững nhất, bởi người tiêu dùng sẽ không thể “ưu tiên” cho hàng trong nước mãi nếu không đáp ứng được nhu cầu của họ.
Vi Lâm