Báo Đồng Nai điện tử
En

"Cởi trói" bằng cách phân quyền

10:05, 06/05/2019

Được xác định phải trở thành "đầu tàu" dẫn dắt và tạo động lực cho kinh tế cả nước phát triển, nhưng trên thực tế, nhiều ý kiến của lãnh đạo các địa phương trong vùng đều đề cập đến một khó khăn chung là chưa có cơ chế cụ thể cho vùng trong phát triển, tất cả các chủ trương, định hướng phát triển, chính sách… vẫn giống như bất kỳ một địa phương nào khác trong cả nước.

Được xác định phải trở thành “đầu tàu” dẫn dắt và tạo động lực cho kinh tế cả nước phát triển, nhưng trên thực tế, nhiều ý kiến của lãnh đạo các địa phương trong vùng đều đề cập đến một khó khăn chung là chưa có cơ chế cụ thể cho vùng trong phát triển, tất cả các chủ trương, định hướng phát triển, chính sách… vẫn giống như bất kỳ một địa phương nào khác trong cả nước.

Mặc dù có Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) hiện tại do ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, song vì không phải là cơ quan chuyên trách có chức năng quản lý nhà nước, không có địa vị pháp lý lẫn nguồn lực để điều phối sự phát triển chung của vùng, nên chưa thể phát huy được sự liên kết trong quy hoạch, phát triển.

Do vậy, trước mắt cần hoàn thiện hệ thống pháp lý đủ mạnh về vùng, trong đó Chính phủ sớm ban hành nghị định về vùng kinh tế để hoạt động vùng hiệu quả hơn. Chính phủ cũng nên cho phép thành lập quỹ hội đồng vùng được hình thành từ một phần kinh phí do Trung ương cấp, một phần từ đóng góp của các địa phương trong vùng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để có thêm nguồn vốn phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cũng kiến nghị trong quá trình lập quy hoạch vùng cần nghiên cứu ban hành đồng bộ cơ chế chính sách đặc thù cho vùng KTTĐ phía Nam.

Hội nghị “nóng” lên với nhiều ý kiến đều tập trung vào việc muốn đột phá, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để có thể “trao quyền” cho vùng trong một số quyết định quan trọng trong phát triển. Những chuyên gia kinh tế dày dạn như TS.Trần Đình Thiên, TS.Trần Du Lịch đều tha thiết đề xuất thể chế đặc thù cho vùng và mong muốn Chính phủ ráo riết đề đạt lên Quốc hội để có hiến định cụ thể, rõ ràng cho các vùng KTTĐ. Vị thế pháp lý vững vàng thì mới có thể có những cơ chế chính sách riêng, nguồn lực, quyền hạn và cả trách nhiệm riêng.

Có thể nói, cơ hội để “bùng nổ” và cả thách thức tụt hậu hiện đang hiển thị song hành trước mắt 8 tỉnh, thành của vùng KTTĐ phía Nam khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động của hội nhập ngày càng len lỏi sâu vào mọi mặt. Vậy nên càng sớm vạch rõ cơ chế đặc thù, vùng KTTĐ phía Nam càng có sự bứt phá nhanh.

“Muốn vùng KTTĐ phía Nam tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, là đầu tàu kinh tế của cả nước thì phải thống nhất quan điểm phát triển vùng KTTĐ phía Nam là phát triển mang tính hữu cơ, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng thành một thể thống nhất, không được mang tính chủ quan, áp đặt, hay là con số cộng của sự phát triển các tỉnh, thành phố thuộc vùng” - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

 Vi Lâm

Tin xem nhiều