Báo Đồng Nai điện tử
En

Bao giờ người tiêu dùng hết lo lắng?

09:05, 20/05/2019

Sau 1 tháng ra quân (từ ngày 15-4 đến 15-5), theo ghi nhận của các đoàn kiểm tra từ tỉnh tới cơ sở, phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đều có ý thức chấp hành những quy định trên lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 có chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Sau 1 tháng ra quân (từ ngày 15-4 đến 15-5), theo ghi nhận của các đoàn kiểm tra từ tỉnh tới cơ sở, phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đều có ý thức chấp hành những quy định trên lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, lỗi vi phạm vẫn còn nhiều, trong khi mức xử phạt khá thấp, chưa thực sự tạo được sức răn đe, khó đảm bảo được vi phạm không tiếp tục tái diễn.


Theo con số mà ngành Y tế đang quản lý, toàn tỉnh có trên 13,5 ngàn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đang hoạt động. Ngoài những cơ sở lớn, có uy tín, vẫn còn nhiều cơ sở vì lợi nhuận sẵn sàng bất chấp quy định của pháp luật để làm sai, không chấp hành. Thậm chí, có cơ sở cứ kiểm tra là… lòi ra vi phạm, dù bị nhắc nhở nhiều lần vẫn tái phạm.

Đơn cử như khi cơ quan chức năng kiểm tra một số quán ăn trên địa bàn TP.Biên Hòa mới đây cho thấy những thực phẩm thông dụng với người tiêu dùng như: bún, tàu hũ ky, mọc thịt heo… có chất cấm. Chủ các cơ sở kinh doanh thực phẩm thú nhận những mặt hàng này chủ yếu được lấy ở “mối quen”. Khi biết mẫu thực phẩm dương tính với chất cấm, các chủ quán đều tiến hành tiêu hủy ngay, nhưng cũng khó đảm bảo nguồn gốc hàng hóa họ tiếp tục kinh doanh sẽ như thế nào.

Còn rất nhiều lỗi vi phạm khác như: hàng hóa bán không có hóa đơn chứng từ, nhân viên chế biến thực phẩm không được khám sức khỏe định kỳ, nơi chế biến không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm nấu chín để chung với thực phẩm tươi sống… Thậm chí, có những quán ăn lớn vẫn vi phạm những lỗi sơ đẳng trong nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là lưu mẫu thực phẩm trong 24 giờ.

Dĩ nhiên, cơ sở nào vi phạm sẽ phải chịu phạt theo quy định và các đơn vị chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý để lập lại trật tự trên lĩnh vực này. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó đáng nói nhất vẫn là cơ chế phối hợp quản lý lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm sao cho hiệu quả, tránh tình trạng ngành này xử phạt, ngành kia lại… cho qua. Bên cạnh đó, khâu hậu kiểm cần được siết chặt hơn nữa và xử thật nghiêm đối với những cơ sở dù đã được nhắc nhở, chấn chỉnh vẫn tái phạm.

An toàn vệ sinh thực phẩm luôn là vấn đề “nóng” của xã hội bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe mọi người. Pháp luật cũng đã quy định những mức xử phạt đối với những đơn vị, cá nhân vi phạm trên lĩnh vực này. Do đó, vấn đề còn lại là thực hiện ra sao, thực hiện như thế nào để người tiêu dùng không còn cảm thấy lo lắng khi đối diện với những thông tin không hay liên quan như thực phẩm bẩn, kém chất lượng, có chất cấm được phát hiện, bày bán…  

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều