Một nguyên tắc cơ bản là người kinh doanh luôn nhắm đến lợi nhuận, do đó trừ khi có những chương trình khuyến mại, giảm giá nhân các dịp đặc biệt, nếu không người mua sẽ rất khó để có được những món hàng "hời" theo kiểu "bán dưới giá vốn", "lãi suất 0%"...
Một nguyên tắc cơ bản là người kinh doanh luôn nhắm đến lợi nhuận, do đó trừ khi có những chương trình khuyến mại, giảm giá nhân các dịp đặc biệt, nếu không người mua sẽ rất khó để có được những món hàng “hời” theo kiểu “bán dưới giá vốn”, “lãi suất 0%”... Và do vậy, cần phải kỹ càng, cẩn trọng khi chọn mua hàng hóa theo nguyên tắc thuận mua, vừa bán để không bên nào thua thiệt. Bên cạnh đó, càng hiểu rõ các chính sách liên quan đến thanh toán, hậu mãi, lãi suất trong hạn… thì người mua càng tránh được những rủi ro liên quan đến việc mua hàng.
Kinh tế thị trường càng phát triển, mức độ hội nhập càng sâu thì những hình thức quảng cáo, tiếp thị trong bán hàng càng trở nên đa dạng và phong phú, kể cả những hình thức “biến tướng” nhằm mục đích bán được hàng. Phổ biến nhất hiện nay là bán hàng theo kiểu “dụ” người tiêu dùng mua hàng trả góp không lãi suất, trả dần trong vòng 6 tháng đến 2 năm, nhưng thực ra lại thu thêm 1 khoản “phí” tương đương với mức lãi suất gần 30%/năm (gần gấp 3 lần so với lãi suất cho vay tiêu dùng thông thường tại các ngân hàng thương mại hiện nay). Đặc biệt, chỉ cần nộp phí chậm vài ngày, mức phí phạt được áp dụng rất cao.
Mặc dù không phải là kiểu bán hàng sòng phẳng, rạch ròi, song hiện tại những quy định của pháp luật cũng khó chạy theo kịp để điều chỉnh kiểu bán hàng trên. Chẳng hạn, mức lãi suất cao mà các doanh nghiệp bán trả góp đang áp dụng không gọi là “lãi suất” mà gọi là “phí”, khung lãi suất chưa đến mức cắt cổ, nhưng cũng đã cao hơn lãi suất vay tiêu dùng tại các ngân hàng rất nhiều. Chưa kể, các cửa hàng thông qua bên thứ 3 là các công ty tài chính để thu tiền phí nên lại càng khó xử lý hơn khi phát sinh các khiếu nại, khiếu kiện từ phía người mua.
Hiện tại, hầu như chưa có các quy định cụ thể để xử lý những hành vi “lập lờ” này trong lĩnh vực bán hàng trả góp, dù rõ ràng là nó gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Thực tế, kể cả hoạt động “tín dụng đen” (cho vay tiền trái phép với lãi suất cắt cổ, cao gấp hàng chục lần lãi suất ngân hàng) thì pháp luật cũng chỉ có thể xử lý những hành vi đã được quy định rất rõ ràng trên các văn bản pháp luật. Vậy nên xét cho cùng, không có cách nào tốt hơn để bảo vệ người tiêu dùng bằng việc bản thân họ phải đọc kỹ các hợp đồng mua bán, tính toán lại mức phí, hỏi kỹ các điều kiện đổi, trả hàng và các tình huống phát sinh… Nếu cẩn trọng, chỉ cần tính kỹ mức phí phải trả đối với món hàng, nhiều người sẽ “rút lui” sớm mà không để phát sinh hệ lụy về sau.
Bởi, quyền từ chối mua hàng trước những hành vi bán hàng không minh bạch chính là quyền lực cao nhất trong một xã hội tiêu dùng văn minh, hiện đại.
Vi Lâm