Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần "cởi trói" nhanh cho các kênh tạo vốn

10:04, 07/04/2019

Thiếu vốn đầu tư hạ tầng giao thông là bài toán khó không chỉ của riêng Đồng Nai, mà là vấn đề chung của bất kỳ địa phương nào trên cả nước. Tuy nhiên, ở một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, sự "phình to" về quy mô dân số cũng nhanh không kém thì vốn đâu để mở đường, cải tạo đường, xây cầu…là một câu hỏi lớn đòi hỏi phải giải quyết bằng nhiều cách.

Thiếu vốn đầu tư hạ tầng giao thông là bài toán khó không chỉ của riêng Đồng Nai,  mà là vấn đề chung của bất kỳ địa phương nào trên cả nước. Tuy nhiên, ở một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, sự “phình to” về quy mô dân số cũng nhanh không kém thì vốn đâu để mở đường, cải tạo đường, xây cầu…là một câu hỏi lớn đòi hỏi phải giải quyết bằng nhiều cách.

Chỉ tính riêng nhu cầu vốn cho khoảng 10 dự án, công trình giao thông trọng điểm, Đồng Nai đã cần trên dưới 10 ngàn tỷ đồng. Dự án nào cũng cần thiết và cấp bách trong khi “chiếc áo” ngân sách quá hạn hẹp, khó có thể giải quyết dù chỉ 1-2 dự án.

Nhìn lại các phương án huy động vốn thời gian qua cho thấy phương án nào cũng có những thách thức riêng. Chẳng hạn, vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giờ đây đã không còn là phương án tối ưu khi thời gian trả nợ dài dẫn đến lãi suất thực chất không rẻ, các nguồn ODA giá rẻ lại đòi hỏi nhiều điều kiện đi kèm khó khăn. Chưa kể, “cánh cửa” ODA thực tế đang dần khép lại do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010 và đang hướng tới mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao trong vòng 20 năm nữa. Cho đến nay Đồng Nai cũng chưa có dự án giao thông nào huy động được nguồn từ vốn vay ODA cả.

BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) thời gian qua cũng là “cứu cánh” cho việc phát triển hạ tầng giao thông trên quy mô cả nước với tỷ lệ huy động vốn cao, thậm chí chiếm đến 90% lượng vốn huy động được trên lĩnh vực hạ tầng giao thông giai đoạn 2011-2015 (theo báo cáo của Chính phủ). Tuy nhiên, những vướng mắc về công tác đầu tư, kiểm soát, quản lý các dự án BOT chưa được tháo gỡ đã khiến huy động vốn từ kênh này chậm lại hẳn trong 2 năm qua.

Với BT (đổi đất lấy hạ tầng), những tưởng đây là chính sách có thể giúp tháo gỡ nhanh những “điểm nghẽn” về vốn cho các dự án, trong đó có hạ tầng giao thông. Song những rắc rối phát sinh chưa giải quyết triệt để được từ khâu định giá đất, chọn nhà đầu tư… tại nhiều địa phương trên cả nước khiến Chính phủ phải tạm ngưng các dự án BT lại.

Trước nhu cầu bức bách cần khởi công các dự án giao thông trọng điểm, UBND tỉnh đã tìm nhiều cách “xoay” vốn, trong đó có đấu giá đất công, xin để lại nguồn tiền từ công tác sắp xếp doanh nghiệp trên địa bàn…, song kỳ thực phương án nào cũng có những thách thức pháp lý cần giải quyết và cần nhiều thời gian cân đối, xin phép Chính phủ… Do đó cho đến hiện tại, nguồn vốn để nhanh chóng đầu tư các dự án giao thông trọng điểm vẫn là vấn đề khá đau đầu.

Theo tính toán của Bộ Giao thông - vận tải, nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực giao thông của cả nước trong giai đoạn 2016-2020 là 952.730 tỷ đồng (riêng lĩnh vực đường bộ chiếm 2/3 nhu cầu), trong khi ngân sách nhà nước chỉ bố trí được khoảng 20%, còn lại phải huy động từ các nguồn khác. Vậy nên nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, hoàn thiện các hành lang pháp lý nhằm kiểm soát, quản lý… để “cởi trói” cho BT, BOT cùng các cơ chế tạo vốn khác đang là điều cần làm trước, làm nhanh.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều